(HNM) - Theo BTC Hội Gióng, dự kiến sẽ có 15 vạn lượt khách đến với Hội Gióng ở đền Sóc trong dịp xuân Tân Mão. Hiện nay, huyện Sóc Sơn đã chuẩn bị mọi phương án để lễ hội có thể diễn ra an toàn, trật tự, giàu bản sắc.
Bãi đỗ xe được bố trí ở nhiều điểm để tránh tắc đường, Công an huyện, Huyện đội có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, Nhà văn hóa huyện phụ trách tuyên truyền, quảng bá… 3 vạn tờ rơi tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa, quy tắc của Hội Gióng đã được in để phát cho du khách dự hội. Làng Vệ Linh, xã Phù Linh đã chuẩn bị xong giò hoa tre; làng Dược Thượng, xã Tiên Dược đã đan xong voi chiến; làng Xuân Dục, xã Tân Minh đã chuẩn bị quả cầu húc…
Hội Gióng năm nay vẫn có một số nghi lễ độc đáo như lễ rước hoa tre, rước ngà voi, rước tướng... Ngày chính Hội Gióng là 6 tháng giêng.
Có thể bạn chưa biết - Ngoài đền Phù Đổng và đền Sóc, Hội Gióng còn có ở một số nơi khác trên địa bàn Thủ đô như: đền Kẻ Trải, xã Xuân Thu; làng Sọ, xã Phù Lỗ; làng Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn); làng Lệ Chi Nam, xã Lệ Chi (Gia Lâm); làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… - Những người được chọn vào vai ông Hiệu trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng vừa là vinh dự cho gia đình, dòng họ, vừa được mang danh ông Hiệu do dân chúng suy tôn đến hết đời. - Các nữ tướng trong Hội Gióng phải dưới 13 tuổi. Mỗi nữ tướng có 15-20 người phục dịch. - Người dân và du khách dự Hội Gióng chỉ được cướp chiếc thứ ba trong 3 chiếc chiếu tượng trưng cho "chiến trường" mà quân ta đánh đuổi giặc Ân, ai cướp được sẽ may mắn cả năm. Chiếc chiếu thứ nhất dành cho phù giá, chiếc thứ hai dành cho người thân các ông Hiệu. - "Cỏ" để voi của Thánh ăn trong hội đền Sóc là những thân cây chuối. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.