(HNM) - Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại với tổng mức phạt và giá trị tài sản thu hồi ước tính lên tới trên 350 tỷ đồng; lực lượng công an xử lý 12.903 vụ, số tiền thu/phạt là 739 tỷ đồng; lực lượng hải quan xử lý 22.012 vụ, tổng tiền thu/phạt là 556 tỷ đồng; bộ đội biên phòng xử lý 2.013 vụ, tổng số tiền gần 600 tỷ đồng; cảnh sát biển xử lý 816 vụ, tổng tiền thu/phạt là 145 tỷ đồng…
Như vậy, xét về bề nổi, tức là riêng với số lượng các vụ buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại được phát hiện, tổng mức phạt và giá trị tài sản các lực lượng chức năng thu hồi được đã gần gấp rưỡi mức thu ngân sách trong một năm của Hà Nội - một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Điều đó cho thấy sự nghiêm trọng của các hoạt động buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại hiện nay. Đặc biệt, từ khoảng tháng 10-2013 tới nay, nhất là vào thời gian giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, những hành vi nêu trên gia tăng đột biến và vô cùng phức tạp. Tại các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động buôn lậu tập trung vào quần áo và các mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, với tuyến biên giới miền Trung nổi lên là việc nhập lậu gỗ và các mặt hàng điện tử, hàng gia dụng. Đáng chú ý, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu vào nội địa rất phức tạp, riêng từ tháng 10 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 3,5 tấn pháo nổ các loại…
Hoạt động buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm rối loạn thị trường mà còn tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vấn nạn này còn làm suy yếu nền sản xuất trong nước nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện với không ít khó khăn, sản xuất đình đốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, lượng hàng tồn kho lớn…
Kiềm chế, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đòi hỏi sự quyết tâm lớn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành cũng như kiên trì trong tổ chức thực hiện cùng sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng. Chỉ có như vậy mới có thể "hạ nhiệt" được các điểm nóng, không để hình thành những đường dây, tụ điểm lớn về buôn lậu, đồng thời nhanh chóng phát hiện, bóc gỡ, đưa ra ánh sáng các loại tội phạm làm hàng giả và gian lận thương mại. Từ đó góp phần làm lành mạnh thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Vẫn biết công tác đấu tranh chống hoạt động buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại là rất khó khăn, phức tạp, nhưng kết quả thực tế trong năm qua của tỉnh Lạng Sơn (một "điểm nóng" về buôn lậu trong nhiều năm qua) cho thấy, nhìn chung tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên địa bàn đã giảm cả về số lượng, quy mô, giá trị hàng hóa so với năm 2012 và những năm trước. Việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu chỉ diễn ra nhỏ lẻ tại một số khu vực. Số vụ việc được các lực lượng phát hiện, xử lý giảm 22% so với cùng kỳ… Có được kết quả này là do việc phân định rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng; xử lý đồng bộ các hành vi vi phạm ở cả "đầu vào" và "đầu ra"; kiên quyết xử lý những trường hợp bao che, bảo kê, tiếp tay hoặc bị mua chuộc trong các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại… Đây là kinh nghiệm, bài học cần nhân rộng đối với các địa phương trong cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.