Từ tối 28.4, hàng vạn du khách các nơi đã đổ về TP.Đà Nẵng vui chơi và chờ đợi xem cuộc thi pháo hoa quốc tế, khiến các tuyến phố Đà Nẵng trở nên đông đúc nhộn nhịp, các tuyến giao thông huyết mạch trở nên ùn ứ, kẹt cứng.
Tại nút giao thông Ngô Quyền - cầu Rồng (quận Sơn Trà) tối 28.4, lượng người đổ dồn về xem rồng phun lửa quá đông khiến nút giao thông này bị ùn ứ, đoàn xe chờ đi qua đây kéo dài hàng kilômét.
Anh Phụng Hà (du khách Hà Nội) cho biết: “Đà Nẵng hôm nay khác hẵn ngày thường, người quá đông. Năm nay, Đà Nẵng có thêm 2 cây cầu Rồng và Trần Thị Lý. Đặc biệt là cầu Rồng phun lửa nên mọi người tập trung để xem nên khiến giao thông ùn ứ. Hơn nữa, do lực lượng CSGT cấm xe lưu thông qua cầu Sông Hàn nên lượng phương tiện đổ về đây càng nhiều làm cho tình trạng ùn tắc càng thêm nặng”.
Cùng ngày, thông tin từ Ga Đà Nẵng, lượng khách đến Đà Nẵng trong dịp này rất đông, chỉ tính trong 2 ngày 27-28.4, mỗi ngày ga Đà Nẵng đón 6 đoàn tàu với gần 4.000 khách từ TPHCM, Hà Nội đến Đà Nẵng. Đó là chưa kể đến bằng phương tiện đường bộ và hàng không.
Nút giao thông cầu Rồng ùn tắc do lượng du khách đổ về quá đông. |
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30.4 và 1.5, từ 27.4-1.5, Vietnam Airlines tăng thêm 434 chuyến so với thường lệ. Riêng chặng bay đến Đà Nẵng trong dịp pháo hoa quốc tế, Vietnam Airlines đã tăng 162 chuyến bay từ Hà Nội và TPHCM.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã huy động gần 1.000 đầu xe taxi với tần suất chạy xe từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Anh Bình (một lái xe taxi) cho biết: “Tài xế các hãng xe du lịch, taxi đều được huy động chạy xe hết công suất để phục vụ du khách vì khách đến Đà Nẵng quá đông. Bên cạnh đó, lãnh đạo hãng đã quán triệt, cấm chặt chém du khách. Thậm chí khi lái xe cũng không được nghe điện thoại”.
Các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng đã bắt đầu đón nhiều đoàn khách. Các địa điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát ở mọi tuyến đường đều trở nên đông đúc. Và điệp khúc “hết phòng” đã diễn ra ngay khi pháo hoa còn mới chuẩn bị. Dạo quanh các khách sạn trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, hầu hết nhân viên ở đây đều lắc đầu: “Hết phòng”.
Tuy nhiên, cũng có một vài khách sạn vẫn còn phòng nhưng giá được đẩy lên từ 1,8-2 triệu đồng/phòng dành cho 2 người, cao gấp 3-4 lần so với ngày thường, trong khi Đà Nẵng chỉ cho phép tăng giá phòng trong dịp này không quá 50%. Nhiều khách sạn đưa ra “gói dịch vụ” và phải đặt phòng từ 3 đêm trở lên mới nhận khách.
Không chỉ phòng nghỉ, đặt chỗ ngồi xem pháo hoa tại những khách sạn cao tầng cũng được chào bán với giá khá cao. “Nhiều khách sạn tự ý tăng giá vượt quy định đã ảnh hưởng đến môi trường du lịch trong dịp này, không chỉ làm du khách phiền lòng mà còn ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh Đà Nẵng. Hành vi này cần được chấn chỉnh nếu không sẽ đi vào “vết xe đổ” của các thành phố du lịch khác, mà mang tiếng xấu” - một giám đốc doanh nghiệp lữ hành cho biết.
Cùng với Đà Nẵng, phố cổ Hội An chào đón lượng lớn du khách đến du lịch. Theo dự báo của ngành du lịch Hội An, dịp 30.4 và 1.5, Hội An sẽ đón hàng vạn du khách đến tham quan. Bên cạnh lượng du khách truyền thống thì sự kiện pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là nhân tố khiến lượng du khách tại Hội An tăng đột biến.
Ghi nhận tại Hội An ngày 28.4, trước giờ khai cuộc Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013, lượng du khách ùn ùn đổ về phố cổ Hội An rất đông. Nhiều điểm tham quan như: Chùa Cầu, cầu An Hội, Hội quán Phúc Kiến… chật cứng du khách.
Chị Hoài Thanh (du khách Hà Nội) chia sẻ: “Thời tiết năm nay tại Đà Nẵng và Hội An rất đẹp nên ngay sau khi nghỉ lễ, được nghỉ dài ngày nên cả gia đình đã bay vào Hội An ở trong dịp trước cuộc thi pháo hoa và ngày mai (29.4) sẽ ra Đà Nẵng để thưởng thức pháo hoa và ở thành phố xinh đẹp này cho đến hết kỳ nghỉ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.