(HNM) -
Vũ điệu tăng… giá
Du khách đổ xô về các khu du lịch biển để tận hưởng... giá dịch vụ “trên trời”. Ảnh: Lan Xuân
Năm nào cũng vậy, thị trấn sương mù Sa Pa luôn trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch vào mỗi dịp nghỉ lễ khiến cho các khách sạn từ cao cấp đến bình dân đều rơi vào cảnh "cháy" phòng. Ước tính, từ ngày 30-4 đến 3-5, lượng khách đến đây vào khoảng 10.000 lượt người (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Để tiết kiệm chi phí, gia đình chị Nguyễn Thu Hằng (ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đã tự tổ chức chuyến hành trình khám phá những cảnh đẹp thơ mộng của vùng đất Sa Pa. Thế nhưng khi đến đây, mọi mặt hàng, loại hình dịch vụ đều tăng giá đến chóng mặt. Vé ô tô khách từ thành phố Lào Cai tới điểm đầu thị trấn Sa Pa cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Nếu du khách nào thắc mắc sẽ nhận được lời giải thích rất hợp tình, hợp lý từ chủ xe là do giá xăng, dầu tăng. Thậm chí, giá phòng trọ bình dân tại đây cũng tăng từ 300.000 đồng lên tới 600.000-700.000 đồng/phòng/đêm. "Dù đã xác định đi nghỉ vào dịp này sẽ bị "chặt chém" nhưng tôi không nghĩ giá cả lại tăng khủng khiếp đến vậy. Từ những quán cóc ven đường, giá xe ôm, đồ lưu niệm... cho đến các nhà hàng sang trọng đều đồng loạt "thét" giá. "Bão giá" đã tràn xuống cả thị trấn vùng cao xinh đẹp này", chị Nguyễn Thu Hằng than phiền.
Cùng với Sa Pa, các điểm du lịch biển cũng thu hút lượng khách đông hơn năm ngoái. Đúng như dự đoán trước đó của các hãng lữ hành, xu hướng du khách tìm đến các tuyến điểm gần để tiết kiệm chi tiêu càng khiến cho Sầm Sơn, Cửa Lò, Cát Bà, Hạ Long... tăng thêm sức ép về cơ sở dịch vụ, nhất là điểm lưu trú. Dù có khoảng 320 nhà nghỉ, khách sạn với hơn 7.000 phòng nhưng lượng cơ sở lưu trú tại bãi biển Sầm Sơn vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Thậm chí, nhiều khách sạn còn tùy tiện hủy phòng đã đặt trước để dành cho khách khác thuê với giá cao hơn. Đại diện Công ty Du lịch Minh Tâm cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, đơn vị tôi không dám tổ chức tour đi Sầm Sơn vào mùa cao điểm. Lý do là các đơn vị cung ứng dịch vụ, nhất là khách sạn tại điểm du lịch này thường không giữ đúng cam kết và cố tình "chặt chém" khiến du khách phàn nàn.
Bình nhưng chưa... ổn
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp lễ, tình hình giá các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ lưu trú tại các điểm du lịch "nóng" lên từng giờ. Và năm nào cũng vậy, chính quyền địa phương lại trấn an du khách bằng "chiêu" bình ổn giá. Tuy nhiên, việc bình ổn giá dịch vụ vào mùa cao điểm chỉ làm cho có, chứ trên thực tế vẫn tăng đến chóng mặt.
Nhờ có cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2011, lượng khách đến Đà Nẵng dịp này ước khoảng 150.000 lượt người, tăng 50% so với năm ngoái. Lường trước được lượng khách sẽ tăng đột biến, trước thời điểm diễn ra cuộc thi, UBND thành phố đã có quy định mức giá dịch vụ lưu trú trong 3 ngày từ 29-4 đến 1-5 tăng không quá 30% so với bình thường. Tuy nhiên, nhiều khách sạn, nhất là những khách sạn có vị trí "đắc địa" hai bên bờ sông Hàn, vẫn chẳng ngần ngại tăng giá phòng lên gấp nhiều lần so với mức bình thường. Chị Đặng Phương Loan, nhân viên một công ty bất động sản bức xúc: Giá phòng tăng 2-3 lần đã là quá lắm rồi. Đằng này, chỉ vì không muốn bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa, gia đình tôi đành ngậm ngùi thuê phòng bình dân với mức giá 2,7 triệu đồng/phòng/đêm (gấp 9 lần bình thường).
Bao giờ mới chuyên nghiệp?
Trước thực tế trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, đây không phải là một vấn đề mới. Chúng ta đã nói lại vấn đề này hàng trăm lần, thậm chí hàng nghìn lần. Nhưng tình hình vẫn không khá hơn là mấy! Vì sao vậy? Câu trả lời, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, yếu tố con người là khâu quyết định đến chất lượng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng tốt đòi hỏi của sự phát triển về du lịch thời gian qua. Đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 43% lực lượng lao động được đào tạo, kể cả đội ngũ quản lý cho đến những người làm trực tiếp. Chính vì không được đào tạo nên những người làm du lịch nghiệp dư theo kiểu "thời vụ" chỉ biết "chạy" theo lợi nhuận mà không nghĩ đến việc phải xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và lâu dài. Thực tế này đang gây ảnh hưởng lớn đến du lịch nước nhà. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, e rằng một vài năm tới, các điểm du lịch nổi tiếng của nước ta dẫu có đẹp cũng khó giữ chân du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.