Dự báo vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp của bão. Chính quyền địa phương thông báo bão nhưng người dân không biết bão đổ bộ lúc nào.
“Các địa phương tập trung khắc phục hậu thiên tai, không chủ quan trong ứng phó mưa lũ sau bão số 3”, đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo diễn ra sáng nay (20/8) tại Hà Nội.
Theo đánh giá chung, công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra ứng phó với bão số 3 được thực hiện quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại trong bão số 3. Các địa phương ven biển cơ bản đã quyết liệt sơ tán dân, tuy nhiên tại một số khu vực vẫn còn tư tưởng chủ quan, vẫn để người dân ngoài khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.
Nước sông Hồng lên cao |
Công tác dự báo bão cần đầu tư hơn nữa để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo đưa ra các thông tin chính xác, điều này có ý nghĩa rất quan trong trong việc chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Phó tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho rằng: “Dự báo hiện nay vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp của bão. Trên thực tế, chính quyền địa phương thông báo bão nhưng người dân không thấy bão đổ bộ lúc nào, điều này rất khó trong công tác chỉ đạo. Đề nghị phải đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo. Có dự báo chính xác thì mới điều động lực lượng ứng phó bão hiệu quả”.
Theo Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến mưa lũ ngày càng bất thường, vì vậy các chương trình ứng phó thiên tai của các địa phương phải tính đến cả những yếu tố này, xác định trọng tâm, trọng điểm về những nguy cơ để có biện pháp ứng phó.
Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão số 3. Thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ sau bão số 3 và của Ban chỉ đạo trong ứng phó bão số 3.
Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại những nguy vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Triển khai các phương án tiêu úng bảo vệ lúa và hoa màu, đảm bảo an toàn các hồ đập, các công trình thủy lợi xung yếu.
Ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Xác định các yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu để đưa vào chương trình ứng phó với các phương án và giải pháp cao nhất. Các địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc phải cử lực lượng bám sát các khu vực có nguy cao về lũ ống, lũ quét, ngầm và tràn để hướng dẫn người dân. Tập trung tiêu úng và chăm sóc lúa và hoa màu. Đặc biệt lưu ý 28 hồ chứa hiện đã tích đầy nước trong thời điểm lượng nước về hồ tiếp tục tăng”.
Đến sáng nay, bão số 3 đã làm 1 người chết do lũ cuốn trôi ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, 2 người ở tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình mất tích do đi qua ngầm. Còn tại thành phố Hà Nội có 3 người bị thương do mưa bão.
Thiệt hại về nông nghiệp: khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã sơ tán 50.401 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn. (Minh Long/VOV-Trung tâm Tin).
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, liên tục trong hai ngày qua tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to, mực nước các sông suối đều dâng cao, làm 1 người bị lũ cuốn trôi và ngập nhiều nhà cửa, sạt lở đất một số tuyến đường giao thông liên xã.
** Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tối qua 19/ 8, tại 2 huyện Lương Sơn và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to. Tại huyện Lương Sơn, lượng nước trên sông Bùi dâng nhanh, đạt mức trên báo động 3 là 0,49m gây ngập úng cục bộ trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và các xã lân cận. Lũ dâng nhanh đã cô lập 3 hộ dân với 11 người tại xóm Cời, xã Tân Vinh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Lương Sơn đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ công an bộ đội đến cứu hộ - cứu nạn và rạng sáng nay (20/8) đã đưa được 11 người đến nơi tránh trú an toàn.
Trước đó, vào chiều ngày 19/8 lực lượng cứu hộ cứu nạn các xã Trường Sơn và Tiến Sơn, huyện Lương Sơn cũng đã cứu sống được 2 người bị lũ cuốn trôi khi đang đi cố vượt qua ngầm suối Ngành (xã Tiến Sơn) và ngầm tràn trên tuyến đường Trường Sơn A (xã Trường Sơn).
Mưa lũ cũng đã cuối trôi 1 người ở huyện Lạc Sơn khi đi qua ngầm Bui, xã Nhân Nghĩa. Hiện, lực lượng cứu hộ - cứu nạn huyện Lạc Sơn đang triển khai lực lượng, tích cực tìm kiếm người mất tích.
Ông Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang cho tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy. Tổng huy động lực lượng là cả nhân dân, bộ đội, công an là hơn 100 chiến sĩ tìm từ chiều hôm qua và sáng nay. Hiện nay chúng tôi cho mở rộng xuôi về phía hạ lưu sông bưởi tiếp tục tìm kiếm mở rộng phạm vi tìm kiếm về hạ lưu của sông và các xã lân cận. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các xã tiếp tục quan tâm đến các ngầm tràn vì trên địa bàn thường thường ngầm tràn người dân hay chủ quan vẫn qua lại và chỉ đạo quyết liệt”.
** Còn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An do mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Nậm Mộ dâng cao hơn 1m đã cuốn trôi và làm ngập hàng chục nhà dân, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng. Mưa lớn cũng làm sạt lở và gây tắc một số tuyến đường liên xã, như tuyến từ trung tâm xã Huồi Tụ vào xã Keng Đu, nước khe Tắm lên cao đã làm ngập cầu tràn tại bản Na Khướng, xã Na Loi...
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND huyện Kỳ Sơn đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thiệt hại, giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn và tổ chức cắm barie ở các khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập lụt.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nói: “Chúng tôi huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng và chính quyền cấp xã di dời người dân ra khỏi vùng bị ngập. Huyện di dời 200 đến 250 người dân ra khỏi vùng sạt lở và ngập vùng nước ngập. Hiện nay xe máy và đi bộ thì vào được, còn đi ô tô thì đi vòng. Chúng tôi chờ nước xuống rồi kiểm tra lại, hỗ trợ bà con”.
** Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đến sáng nay (20/8), mưa lũ đã làm nhiều nhà và diện tích hoa màu ở các huyện miền núi Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát thiệt hại nặng.
Tại huyện Mường Lát mưa lớn khiến nhiều điểm trên quốc lộ 15 C và 16C bị sạt lở. UBND huyện Mường Lát đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động lực lượng, phương tiện để có thể thông xe trong ngày hôm nay.
Ông Trần Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trên Quốc lộ 16C còn có hai điểm km 16 và km 20 đến sáng nay mới sạt lở xuống. Hiện tại, huyện huy động tất cả các đơn vị thi công, máy móc đang thực hiện giải tỏa. (Thu Hiền/VOV-Trung tâm Tin)
Quảng Ninh, Hải Phòng thiệt hại nhẹ
** Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN Hải Phòng và Quảng Ninh, đến thời điểm 17 giờ ngày 19/8, bão số 3 đã không còn ảnh hưởng tới các khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo dự báo hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa to trên diện rộng, để chủ động ứng phó, lãnh đạo các địa phương này đã ban hành công điện chủ động biện pháp phòng chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn.
Tại Hải Phòng đêm 19/8 chỉ còn một số nơi có mưa với lượng mưa giảm dần, trời âm u, gió nhẹ. Một số huyện ven biển như Tiên Lãng, Đồ Sơn, An Lão…. trời đã lặng gió, mưa nhỏ, không có thiệt hại về thủy sản, cây ăn quả. Toàn thành phố có 20 cây xanh bị đổ, tốc mái nhà 2 hộ dân ở huyện Thủy Nguyên, một số khu vực ảnh hưởng mưa lớn bị ngập ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.
Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng cho biết, ngay thời điểm bão đổ bộ vào đất liền Hải Phòng, toàn thành phố có 61 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động ngoài đê được chằng buộc, một số khu vực nguy cơ cao ảnh hưởng của bão được di chuyển vào vị trí bảo đảm an toàn.
Khu vực nuôi trồng thủy sản gồm 11262 ha vừa được thả giống được cán bộ chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bão, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do bão gây ra.
Đây cũng là thời điểm ngoại thành gieo cấy xong gần 40.000ha lúa mùa; 4.200ha cây rau màu. Các công ty khai thác công trình thủy lợi đã hạ thấp mực nước đệm hợp lý, dao động từ 0,4 đến 0,7m; tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến kênh trục chính nhằm tăng cường khả năng tiêu úng. Các trạm bơm tiêu úng sẵn sàng hoạt động. Một số địa phương huy động máy bơm dã chiến sẵn sàng chống úng tại một số khu vực đồng ruộng xảy ra úng lụt cục bộ.
Đến cuối ngày 19/8, mặc dù có mưa lớn nhưng do việc tiêu nước tốt nên, toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt chưa xuất hiện thiệt hại, không có khu vực xảy ra ngập úng lâu. Một số đầm nuôi trồng thủy sản khu vực Đồ Sơn có nguy cơ ngập nước nhưng các ngành chức năng, địa phương chủ động ứng trực mở cống thoát nước nên khu vực này nước được tiêu thoát khá nhanh, không gây ảnh hưởng đến diện tích nuôi trồng thủy sản mới nuôi thả.
** Còn tại Quảng Ninh, bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về tài sản làm sập 11 nhà tại các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà; tốc mái 6 nhà ở Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái; đổ 1 trạm biến áp tại Vân Đồn; 22 cột điện, viễn thông bị đổ; sạt lở 197 mét kênh mương; 7 nhà dân sạt kè, tường; 50ha lúa, hoa màu bị ngập lụt. Ước tổng thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.
Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo thống kê thiệt hại và khắc phục ngay đối với các nhà bị sập đổ, hệ thống điện, viễn thông; hỗ trợ các gia đình phải di dời, sơ tán, bị sập nhà, tốc mái ổn định cuộc sống; xử lý tháo nước đệm các vùng có nguy cơ ngập lụt, các hồ chứa nước…
Do lũ ở các sông suối đang lên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp, đề phòng ngập úng, lũ quét, sạt lở…, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Các lực lượng, phương tiện vẫn tiếp tục thường trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời ứng phó với các sự cố do hoàn lưu bão gây ra.
Còn với ngành than, Tập đoàn TKV cũng đã chỉ đạo, các đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm soát tình hình mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3. Rút kinh nghiệm đợt mưa lụt năm 2015 do vậy hết sức đề cao cảnh giác với diễn biến của hoàn lưu bão số 3, không được chủ quan; tăng cường kiểm tra các vị trí xung yếu, các công trình PCMB, mỏ hầm lò, đập chắn bãi thải… Thường xuyên bám sát hiện trường sản xuất, theo dõi diễn biến của bão và phối hợp với địa phương trong công tác PCMB, di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao.
Ông Pham Xuân Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Than Vàng Danh cho biết: “Về phía sản xuất, chúng tôi thường trực có lực lượng 500 người chia làm các ca. Ngoài ra còn có lực lượng công nhân của các đơn vị thường trực trực ở trong các diện sản xuất, khu vực lò các hệ thống hầm bơm, trạm điện để phục vụ bơm nước và đáp ứng việc nếu có nước lớn thì thực hiện theo giải pháp ứng phó mà công ty đã đưa ra”.
Hiện ngành điện Quảng Ninh đã cấp điện trở lại cho khoảng 174.000 khách hàng, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 30 trạm biến áp bị sự cố, gây mất điện cho khoảng 10.000 khách hàng tại huyện Cô Tô, Bình Liêu và Ba Chẽ. Trong đó, chủ yếu là huyện Cô Tô.
Nước đã rút, giao thông ra vào huyện Ba Chẽ cũng được thông suốt trở lại. Bắt đầu từ 7h ngày 20/8, các tàu du lịch, tàu chạy tuyến đảo trên Vịnh Hạ Long đã trở lại hoạt động bình thường, thời tiết đủ điều kiện để tàu hoạt động an toàn. Ngay trong sáng 20/8, Cảng vụ đã cấp phép rời bến, cảng cho các tàu du lịch có khách tham quan Vịnh Hạ Long./. (Hoàng Trình/VOV-Đông Bắc)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.