Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự báo và điều hành đều kém

Thanh Mai| 12/10/2010 07:33

(HNM) - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (gọi tắt là Dung Quất) là một trong 7 nhà máy hiện đại trên thế giới, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Xăng máy bay Jet A1 đã được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về kiểm định chất lượng xăng máy bay ASTM của Mỹ và DEF-STAN của Anh.

Lô sản phẩm đầu tiên 4.500 tấn đã bán cho Công ty BP Singapore Pte.Ltd thuộc Tập đoàn BP (Vương quốc Anh). Tập đoàn Shell cũng sẽ là đối tác được Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lựa chọn để bán sản phẩm. Song hiện nay, xăng dầu các loại của Dung Quất đang tồn kho, không còn chỗ chứa…

Thừa xăng dầu vẫn phải nhập khẩu

Với giá trị nhập siêu 9 tháng của cả nước là 8,6 tỷ USD, tăng 2,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2009 thì giải pháp cắt giảm xăng dầu nhập khẩu để tập trung tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất tồn đọng trong lúc này phải là giải pháp ưu tiên cấp bách. Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực cho biết, với công suất Dung Quất đạt 100% và năng lực tiêu thụ như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tồn kho gần 730 nghìn tấn xăng dầu tại kho chứa của nhà máy vượt 30% công suất chứa thông thường.

Theo PVN, giải pháp giải quyết hàng tồn đọng thì có nhiều như giảm sản lượng sản xuất; xây thêm kho để tăng lượng tồn kho… nhưng tốt nhất vẫn là cắt giảm ngay việc nhập khẩu xăng dầu. Mặc dù việc cắt giảm sản lượng nhập khẩu đối với các doanh nghiệp (DN) đầu mối không phải dễ, bởi các hợp đồng nguyên tắc đã được ký từ đầu năm. Nhưng đây là giải pháp có thể thực hiện được do trong số các hợp đồng này, có cả hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, có hợp đồng đã thông qua, có hợp đồng còn chờ, có hợp đồng điều chỉnh. Bên cạnh đó, mặc dù kế hoạch nhập khẩu đã được Bộ Công thương thông qua từ đầu năm, nhưng hiện nay, hạn mức nhập khẩu xăng dầu vẫn là cơ chế hạn mức tối thiểu.

PVN đã mời các DN nhập khẩu hợp tác hơn nữa để tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất. Tuy nhiên, đến nay PV Oil (đơn vị được PVN chỉ định làm đầu mối tiêu thụ duy nhất xăng dầu Dung Quất trong giai đoạn đầu), Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC (thuộc PVN), Petrolimex cũng chỉ cam kết tiêu thụ một lượng hạn chế.

Lỗi do điều hành?

Để xảy ra nghịch lý xăng dầu trong nước sản xuất thì ế trong khi hàng ngoại vẫn tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, góp phần làm tăng nhập siêu cho nền kinh tế, mấu chốt vấn đề không chỉ ở năng lực dự báo mà còn ở điều hành chung của cả cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Phùng Đình Thực, xăng dầu Dung Quất tồn đọng có nguyên nhân từ sản lượng của nhà máy tăng 25% so với kế hoạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước năm nay lại thấp hơn so với dự báo tăng 10% hồi đầu năm. Cuối năm 2009, nhà máy vẫn chưa vận hành ổn định, chưa được nhà thầu bàn giao, nên PVN chỉ dự báo sản lượng của Dung Quất đạt 80% trong năm 2010. Song từ khi nhận bàn giao vào ngày 30-5-2010 đến nay, nhà máy lại hoạt động đạt 100% công suất. Tình trạng trên cho thấy công tác dự báo có vấn đề bởi thông tin cập nhật còn chậm, nhất là trong việc thay đổi kế hoạch sản xuất của chính nhà máy; kế hoạch nhập khẩu xăng dầu của PV Oil. Theo báo cáo, 9 tháng qua PV Oil đã nhập khẩu 765 nghìn tấn xăng dầu, trong khi Dung Quất lại tăng sản lượng sản xuất với xăng và dầu DO.

Giải pháp cho xăng dầu Dung Quất

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vừa yêu cầu các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu tổ chức tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất có hiệu quả trong điều kiện nhà máy đã hoạt động ổn định, giảm nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu. Thứ trưởng yêu cầu PVN và BSR khẩn trương làm việc cụ thể với từng DN đầu mối, đặc biệt là Petrolimex về kế hoạch sản xuất, phương án tiêu thụ và tận dụng tối đa sức chứa các kho chứa của nhà máy và báo cáo kết quả về Bộ Công thương chậm nhất là ngày 15-10-2010. PVN và BSR khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, có phương án điều chỉnh việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất một cách hợp lý, hiệu quả và bảo đảm công bằng cho các DN…

Hiện đã có 9/11 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất, chiếm trên 35% tổng lượng xăng dầu sử dụng trong nước 9 tháng qua. Riêng Petrolimex với hệ thống thị phần khoảng 50%, đang tiêu thụ 28% sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự báo và điều hành đều kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.