(HNM) - Theo tiến độ dự kiến, dự án cầu Nhật Tân sẽ hoàn thành vào năm 2012. Thế nhưng, đến thời điểm này, một số gói thầu vẫn chậm chạp nhúc nhích vì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang bị chậm tiến độ. Vấn đề
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai đầu cầu là một trong những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào năm 2009, gồm 3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu dịch vụ tư vấn. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) cho biết, trong 3 gói thầu xây dựng cầu Nhật Tân thì gói thầu số 1 triển khai xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc (nhà thầu thi công là Liên danh Tập đoàn IIS và Công tư Xây dựng Sumitomo Mitsui-Nhật Bản) mới chỉ hoàn thành 30% khối lượng công việc. Hiện nay, nhà thầu đang đổ bê tông một loạt các chân trụ tháp, phần cầu dẫn phía bắc hoàn thành 58/737 cọc khoan nhồi. Nhà thầu đang chế tạo kết cấu thép và dây văng phần cầu chính tại nhà máy theo đúng tiến độ.
Tại gói thầu số 3, xây dựng đường dẫn cầu phía bắc, do khó khăn về công tác GPMB, nên nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) mới chỉ triển khai trong phạm vi mặt bằng được giao từ đê Tả Hồng đến nút giao Vĩnh Ngọc. Do chưa có mặt bằng, nên khối lượng công việc của gói thầu mới hoàn thành được 38%. Vướng mắc nhất tại gói thầu này là chậm trễ trong việc di chuyển đường điện cao thế, GPMB nút giao Vĩnh Ngọc và nút giao sông Thiếp. Theo tính toán của Bộ GTVT, đến thời điểm này, gói thầu số 3 chậm 16 tháng, gói thầu số 1 chậm 20 tháng so với tiến độ đặt ra. Riêng gói thầu số 2 (xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam) sau hai lần tổ chức đấu thầu vẫn không có nhà thầu tham gia do lo ngại chậm trễ trong công tác GPMB. Vừa qua, Ban QLDA 85 đã tiến hành đấu thầu lần 3 và ký kết hợp đồng với Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản)-Vinaconex (Việt Nam). Nhà thầu cam kết hoàn thành tiến độ thi công trong 34 tháng với điều kiện toàn bộ mặt bằng được bàn giao trước tháng 6-2011. Dự kiến, gói thầu này bắt đầu thi công từ tháng 5-2011.
Ách tắc trong khâu GPMB không chỉ làm chậm tiến độ chung của toàn bộ dự án, mà còn kéo theo không ít hệ lụy. Theo đại diện chủ đầu tư, không chỉ gây phát sinh chi phí lớn và chậm phát huy hiệu quả KT-XH của dự án, từ sự chậm trễ trong khâu GPMB, các nhà thầu đã có văn bản khiếu nại. Nếu còn tiếp tục chậm trễ, không loại trừ sẽ xảy ra tình trạng phạt hợp đồng. Theo ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, phần diện tích phải GPMB trên địa bàn huyện là trên 918.000m2. Đến thời điểm này, đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ, GPMB để bàn giao đất cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công thực hiện dự án. Tuy nhiên, tại địa bàn các xã Vĩnh Ngọc và Vân Nội vướng tổng cộng 45 hộ đất thổ cư. Ngoài ra, còn gần 100 hộ đất nông nghiệp tại một số xã, huyện đang tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên, tại phần đất một số cơ quan trong diện phải GPMB đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ từ đầu năm 2011 nhưng đến nay Ban QLDA hạ tầng Tả ngạn vẫn chưa chuyển được kinh phí cho UBND các xã.
Còn tại đầu cầu phía nam, đến thời điểm này, quận Tây Hồ đã 6 lần bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư đạt 78,4% diện tích cần GPMB.
Trước tình hình đó, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố chủ động tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB. Cụ thể, gói thầu số 1 phải hoàn thành GPMB và bàn giao mặt bằng trong tháng 5-2011. Với gói thầu số 2, quận Tây Hồ phải phê duyệt và chi trả tiền xong toàn bộ trong tháng 6-2011. Với gói thầu số 3, trừ phần đường điện bàn giao trong tháng 7-2011, phần diện tích cần GPMB cũng phải hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong tháng 5-2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.