Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án xây dựng cầu Hòa Viên 5 năm dang dở, do đâu?

Thanh Hải - Bảo Nga| 14/02/2014 06:14

(HNM) - Tháng 8-2009, dự án xây dựng cầu Hòa Viên bắc qua sông Đáy, nối xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) với xã Viên An (huyện Ứng Hòa) chính thức được khởi công trong nỗi mừng vui khôn xiết của người dân.

Một cây cầu - nhiều nỗi niềm

Năm 2006, dự án xây dựng cầu Hòa Viên được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chính thức phê duyệt. Cầu nằm ngay ngã ba, nơi giao nhau giữa sông Đáy và sông Bùi, giáp ranh ba huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa và Mỹ Đức. Với chiều dài gần 190m, rộng khoảng 8m, ban đầu dự án cầu Hòa Viên có tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7-2008, dự án được điều chỉnh một số hạng mục, nâng tổng mức đầu tư lên 47,5 tỷ đồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, dự án được giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA) giao thông 2, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, làm chủ đầu tư. Theo tiến độ đề ra, dự án được tiến hành trong thời gian 18 tháng, nhưng trên thực tế, sau 5 năm triển khai, đến nay đơn vị thi công mới lắp đặt xong 3 nhịp dầm, 4 trụ và 1 mố cầu, tương đương 60% khối lượng công việc. Việc thi công ì ạch tại dự án xây dựng cầu Hòa Viên là nguyên nhân phát sinh nhiều vấn đề "nóng" khiến người dân thuộc khu vực dự án bức xúc. 

Dự án cầu Hòa Viên triển khai 5 năm nhưng đến nay vẫn dang dở.


Trong đơn thư gửi đến Báo Hànộimới, người dân cho rằng, kể từ khi dự án xây dựng cầu Hòa Viên được triển khai, cuộc sống của gia đình họ hoàn toàn bị đảo lộn. Để phục vụ dự án, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành quyết định thu hồi đất của 13 hộ gia đình, trong đó có 7/13 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư theo quy định. Tuy nhiên, trong khi người dân thấp thỏm chờ nhận đất tái định cư (TĐC), đợi cầu làm xong mới dám xây nhà và ổn định kinh doanh, buôn bán… thì việc thi công cầu qua nhiều năm vẫn "án binh bất động". Tương tự, về phía đầu cầu thuộc xã Viên An (huyện Ứng Hòa), theo khảo sát có 12 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng qua ngần ấy thời gian, địa phương vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc đất đai của các hộ dân để có phương án di dời. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng khiến người dân bức xúc, đó là sự tồn tại của chiếc cầu "tạm" khá kiên cố nằm sát cầu Hòa Viên. Theo phản ánh của người dân, chiếc cầu này được Công ty TNHH Toàn Phát, đơn vị thi công dự án cầu Hòa Viên xây dựng và giao cho tư nhân quản lý. Trong lúc dự án xây dựng cầu Hòa Viên còn dang dở, người dân hai bên bờ sông Đáy ngày ngày phải đi qua chiếc cầu phao ọp ẹp, thì chiếc cầu bán kiên cố này lại được chắn barie và khóa cẩn thận. Phương tiện nào muốn đi qua cây cầu này, phải nộp lệ phí, với ô tô thì khoảng 20-50.000 đồng/xe/lượt.

Bức xúc chất chồng

Để làm rõ những phản ảnh của người dân, ngày 11-2, PV Báo Hànộimới đã đến tìm hiểu sự việc, thấy công trường vẫn ngổn ngang. Giữa lòng sông chỏng chơ một đoạn cầu được xây dựng. Phía đầu cầu thuộc huyện Ứng Hòa, một mố cầu đã được lắp đặt. Trong khi đó, mố cầu phía huyện Chương Mỹ vẫn chưa thể "tiếp đất". Đúng như phản ánh của người dân, nằm giữa cầu Hòa Viên và cầu phao dân sinh là một chiếc cầu khá kiên cố được rào chắn cẩn thận bởi một chiếc barie bằng sắt. Thoáng thấy xe của chúng tôi, một người phụ nữ trung tuổi chạy ra mở khóa, nâng barie, đồng thời thông báo "lệ phí" qua cầu là 20.000 đồng/lượt. Khi chúng tôi hỏi thu tiền cho ai, người phụ nữ lập tức đanh giọng: - Nộp cho ai thì hỏi làm gì? Có định đi không thì bảo? Sau hai lượt qua lại, chúng tôi phải nộp tổng cộng 40.000 đồng "lệ phí" mà không hề có biên lai (!?).

Nghe tin PV Báo Hànộimới về xác minh thông tin, rất nhiều người dân đến để phản ánh. Bác Nguyễn Văn Tách, giáo viên về hưu, sống tại phố Ba Thá, xã Viên An cho biết: Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng cầu Hòa Viên, dân chúng tôi mừng lắm. Nhưng khi dự án triển khai, chúng tôi thấy có nhiều điều bất hợp lý. Trước khi triển khai dự án, chúng tôi là những hộ dân sống sát khu vực xây dựng nhưng không hề được cung cấp bất cứ thông tin gì. Chỉ đến khi một số trụ cầu tại khu vực giữa sông được xây lắp xong, UBND xã mới tiến hành họp dân để nghe chủ đầu tư và đơn vị thi công thông báo về dự án. Theo thông báo, cầu Hòa Viên được xây dựng bằng công nghệ ép cọc khoan nhồi, nhưng thực tế đơn vị thi công đã sử dụng máy búa lớn để khoan phá. Hậu quả là gây ra tiếng ồn rất lớn khiến người dân mất ăn mất ngủ, nhiều nhà dân gần công trường bị lún, nứt tường...

Để "mục sở thị", chúng tôi đã khảo sát tại một số nhà dân bị ảnh hưởng tại khu phố Ba Thá. Tại nhà bác Tách xuất hiện nhiều vết nứt lớn, xé ngang ở khu vực cầu thang dẫn lên tầng 3. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Lượng, sống sát trụ cầu T5. Ông Lượng cho biết, kể từ khi đơn vị thi công xây dựng trụ cầu T5, căn nhà hai tầng của gia đình ông đã bị lún, nứt nghiêm trọng. Lo ngại ngôi nhà có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, gia đình ông đã gửi đơn phản ánh đến UBND xã Viên An, chủ đầu tư và đơn vị thi công. Sau nhiều lần "đàm phán", cuối năm 2013 chủ đầu tư mới đồng ý chi một khoản trợ cấp 3 triệu đồng/tháng, trong vòng 6 tháng để gia đình ông tạm di dời đến nơi ở mới nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay khi trụ cầu T5 đã xây xong, ngôi nhà của gia đình ông Lượng ngày càng bị sụt lún nghiêm trọng nhưng việc đền bù thiệt hại cho gia đình vẫn "dậm chân tại chỗ".

Cơ quan chức năng nói gì?

Đem thắc mắc của người dân tìm đến UBND huyện Chương Mỹ, chúng tôi được hướng dẫn tới Ban bồi thường GPMB huyện. Tại đây, Phó Trưởng ban Phạm Khắc Toàn cho biết: Đúng là dự án bây giờ đang "tắc" ở khâu TĐC. Số hộ TĐC đã có rồi, quỹ đất bố trí cho các hộ cũng đã có. Tóm lại, các bước theo quy trình GPMB do thành phố quy định, đến nay Hội đồng GPMB huyện Chương Mỹ đã thực hiện xong, nhân dân đang trông chờ vào đất TĐC, sau khi nhận được đất TĐC, các hộ gia đình sẽ nhận bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, dự án TĐC chưa thực hiện được do Sở Tài nguyên & Môi trường chưa giao mốc giới để phục vụ GPMB theo quy định. Giờ trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án phải lo nguồn vốn, liên hệ với Sở TNMT cắm mốc ngoài thực địa để bàn giao, GPMB…

Ngay trong chiều 11-2, liên hệ với BQLDA giao thông 2, chúng tôi đã được ông Lê Xuân Thọ, Phó Giám đốc tiếp. Liên quan đến phản ánh của người dân, ông Thọ cho biết, đúng là trong thiết kế việc thi công cầu Hòa Viên là sử dụng công nghệ ép cọc khoan nhồi nhưng do cấu tạo địa chất đáy sông là ngàm mặt đá dày khoảng 10-12m, do vậy, nhà thầu bắt buộc phải dùng biện pháp khoan giã đá. Phải nói thêm rằng, sử dụng thiết bị để khoan phá đá tốn kém hơn rất nhiều, chúng tôi không dại gì tự chuyển biện pháp thi công để tốn kém hơn. Thậm chí, nếu khoan nhồi chỉ ngày là xong 1 cọc, còn biện pháp kia có thể mất cả tuần. Việc phá đá chắc chắn là gây chấn động và ảnh hưởng đến người dân, về điều này, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết, cho cán bộ xuống kiểm tra và giám định mức độ thiệt hại. Ông Thọ cũng cam kết, việc một số người tự ý thu phí ở cầu tạm là hoàn toàn sai. Chiếc cầu này do chủ đầu tư lắp đặt để cho xe vận chuyển vật liệu thi công chứ không nhằm mục đích nào khác. Ban sẽ chấn chỉnh và khắc phục ngay tình trạng này.

Trả lời về trách nhiệm của chủ đầu tư xung quanh dự án TĐC tại Chương Mỹ, ông Lê Xuân Hùng, Trưởng phòng Dự án BQLDA giao thông 2, người trực tiếp phụ trách dự án cầu Hòa Viên giãi bày: Cái khó của chủ đầu tư là vướng vào 7 hộ TĐC. Dự án này đã được Sở GTVT duyệt nhưng hiện giờ chưa có nguồn vốn. Đặc thù là vốn dành cho TĐC tách biệt hoàn toàn vốn triển khai dự án cầu Hòa Viên. Năm nay, ban đã đăng ký rồi nhưng hiện tại chưa có vốn. Theo quy định của thành phố, phần GPMB liên quan đến tái định cư thì được định hình như một dự án khác, cũng có khâu chuẩn bị đầu tư, kế hoạch vốn, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, thi công, nghiệm thu thanh toán... Thêm nữa, những năm gần đây, Hà Nội lại quy định tách riêng 2 nguồn vốn. Vốn xây lắp đi theo kế hoạch, từng đầu mục có đơn giá rõ ràng. Nhưng vốn GPMB của thành phố lại đi theo từng dự án. Về dự án TĐC, ban đã tiến hành theo đúng trình tự. Giờ chúng tôi vẫn chờ đợi để được ghi nguồn vốn, còn cụ thể đến bao giờ thì chưa biết.

Như vậy, cây cầu Hòa Viên với chiều dài gần 200m đã và đang ghi vào kỷ lục về thời gian xây dựng. 5 năm đã trôi qua, không biết bao lâu nữa người dân nơi đây mới được đi trên cây cầu mong ước?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án xây dựng cầu Hòa Viên 5 năm dang dở, do đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.