(HNMO) – Chiều 4/11, thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đa số đại biểu Đoàn Hà Nội ủng hộ nhưng cũng chia sẻ nhiều băn khoăn.
Dự phiên thảo luận tại Đoàn Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu về dự án sân bay Long Thành, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, đây là dự án trọng điểm, có tính chất lâu dài, hướng đến tương lai.
Theo đại biểu Hà phân tích, trong tương lai, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, trong khi việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không thể vì diện tích không bảo đảm, sân bay lại nằm ở trung tâm, không đảm bảo không gian an toàn hàng không, kinh phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng tương đương với xây mới sân bay Long Thành, trong khi Long Thành lại có hướng về lâu dài, có thể cạnh tranh được với các sân bay khác trong khu vực trong tương lai…
“Cá nhân tôi ủng hộ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành để làm cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền tiếp tục thực hiện các bước khác theo quy định của pháp luật với một dự án quốc gia trọng điểm”, đại biểu Hà nói.
Đại biểu Hà cũng nhìn nhận, nếu gắn dự án sân bay Long Thành vào bối cảnh hiện nay thì nhiều đại biểu sẽ phản đối vì hiện nợ công đang lớn, kinh tế chưa phát triển mạnh. Nhưng nếu Quốc hội bác chủ trương với dự án này thì các cơ quan có thẩm quyền lại phải lùi các bước chuẩn bị lại, chờ đến khi hội tụ đủ các yếu tố mới lại trình thì sẽ chậm.
Chung quan điểm với đại biểu Hà, các đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh cũng ủng hộ chủ trương đầu tư dự án và nhất trí, nếu chờ hội tụ đủ yếu tố, Quốc hội mới cho chủ trương để Chính phủ triển khai thì sẽ không đón đầu được cơ hội nữa.
“Trong cơ cấu vốn của dự án, vốn lớn nhất là PPP, chiếm 56%, đây là một cách làm sáng tạo, bởi nó đảm bảo tính khả thi và giải tỏa những lo lắng của các đại biểu về nguồn vốn cho dự án”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, trong bất cứ giai đoạn nào, giao thông cũng phải nên đi trước một bước, như vậy mới đảm bảo sự phát triển đất nước, dân trí. Trên quan điểm này, căn cứ vào đặc thù của đất nước để chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau.
“Tôi đắn đo việc xây dựng một cảng sân bay rất lớn, rất có ý nghĩa thì vấn đề đảm bảo an sinh, nợ công sẽ được giải quyết như thế nào? Làm sao để chúng ta vừa phát triển được tương lai, vừa giải quyết được an sinh hiện tại thì phải cân nhắc”, đại biểu An nói.
Đồng ý về chủ trương đầu tư dự án, đại biểu An đề nghị Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể rõ hơn, nêu hiệu quả từng hạng mục, giải trình rõ hơn khả năng tận dụng sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, khi trình dự án, Chính phủ phải có cam kết về huy động vốn.
Trên một góc nhìn khác, đại biểu Đào Văn Bình cho rằng, viễn cảnh sân bay Long Thành trong tương lai sẽ trở thành điểm trung chuyển rất khó khẳng định là sự thực, bởi ở phía nam, cùng cạnh tranh hàng không với Việt Nam có Singapore, Malaysia, Thái Lan… - những đối thủ không dễ vượt qua khi mà hiện nay, chất lượng dịch vụ sân bay của ta được đánh giá thấp.
“Phương án đầu tư trình rất hay nhưng vẫn đụng đến tiền nhà nước, đặc biệt là vay lại ODA của nhà nước. Nếu nhìn xa, dự án này cần thiết đầu tư nhưng không phải lúc này”, đại biểu Khiết nói.
Các đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Trịnh Thế Khiết, Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho rằng, các tính toán trong tờ trình Chính phủ còn mang tính chủ quan, chưa có căn cứ thật “sắc”. Các đại biểu đề nghị làm rõ hoạch định 10 năm tới của ngành hàng không Việt Nam, chúng ta sẽ mở đường bay ra được bao nhiêu nước” Khi xây dựng xong sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất có còn hoạt động không, nếu còn thì hướng khai thác như thế nào? Tại sao lại chọn Long Thành mà không phải là địa điểm khác? Dự án này có tác động xã hội như thế nào? Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được hưởng lợi cũng như chịu những thiệt thòi gì? Những hộ bị GPMB sẽ được giải quyết việc làm ra sao?...
Những câu hỏi trên cũng là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Phi Thường. Đại biểu đề nghị trên cơ sở ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ có giải trình làm rõ hơn để Quốc hội ra quyết sách đúng.
“Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng một nhà ga quốc tế, thiết kế cho nhiều chuyến vận chuyển người… nhưng phương án khai thác kinh doanh lại là điểm mờ nhạt của dự án. Dự án cần phải xác định phân khúc thị trường, nguồn khách hàng, sản phẩm bán… Trong vận tải, nguyên tắc chi phí, thời gian, an toàn chi phối các yếu tố khác, ít khi khách hàng chọn theo ý thích, cảm tính”, đại biểu Thường nói.
Theo đại biểu Thường, sẽ hợp lý hơn nếu Chính phủ thiết kế phương án xây dựng một sân bay đáp ứng phục vụ 40 triệu hành khách, 2 nhà ga, 2 đường băng đến năm 2020 và tùy thực tế sẽ triển khai tiếp giai đoạn sau cho phù hợp. Nếu như vậy, tổng suất đầu tư cho dự án cũng sẽ không vượt quá 10 tỷ USD.
Đại biểu Thường cũng cho rằng, cấp độ dịch vụ 4F là cấp cao nhất, trong khi cấp độ này không quan trọng bằng năng lực nhân sự công việc, chất lượng dịch vụ… Các sân bay nổi tiếng trên thế giớ hút khách chính là nhờ chất lượng dịch vụ, tiện ích… chứ không phải quy mô đầu tư ban đầu.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Quang Nghị nhất trí, xét trên sự cần thiết và nhu cầu của đất nước, so sánh với các nước tương quan, Việt Nam cần một sân bay tầm cỡ như Long Thành. Tuy nhiên, để triển khải dự án này, cần tính kỹ vốn, quy mô, tiến độ.
“Thực tế có nhiều công trình lớn khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội chưa hẳn nhận được sự đồng thuận (như dự án đường dây 500 KV, thủy điện Sơn La) nhưng khi triển khai lại thành công. Ngược lại, có những công trình đồng thuận cao, khi triển khai lại vướng (như bô-xít Tây Nguyên, dầu khí Dung Quất, đường Hồ Chí Minh), do đó, để quyết một dự án mà chúng ta tin đúng hoàn toàn không dễ”, đại biểu Nghị nói.
Theo đại biểu Phạm Quang Nghị, các yếu tố về nguồn vốn trong dự án chưa chắc chắn; có nhiều yếu tố Chính phủ viết hơi lãng mạn, lạc quan…. Chính phủ cần tính toán kỹ và rút kinh nghiệm một số dự án, công trình đã triển khai.
Cũng trong phiên làm việc ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.