Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án sân bay Long Thành cần 18,7 tỷ USD vốn

Vân An| 29/10/2014 07:51

(HNMO) – Sáng nay, 29-10, Chính phủ có Tờ trình báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội.


Sáng nay, 29-10, Chính phủ có Tờ trình báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội. Trước đó, ngày 28-10, Chính phủ đã có bản báo cáo bổ sung về dự án này gửi các đại biểu Quốc hội.

Theo Chính phủ, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, góp phần hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam; Đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải…

Mục tiêu đầu tư là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Toàn bộ dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 02 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; trong đó: Giai đoạn 1a là xây dựng nhà ga chính có 01 nhánh trung tâm, 01 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/năm, mở cửa vào năm 2023; Giai đoạn 1b xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.

Giai đoạn 2: Nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030.

Giai đoạn 3: Nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm, 4 đường cất hạ cánh.

Nếu được phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng từ năm 2018.

Mô hình sân bay Long Thành - Ảnh: Internet



Theo tính toán, để phục vụ dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha. Tuy nhiên, số hộ dân bị ảnh hưởng không nhiều (Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 4.541 hộ). Dự kiến tổng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 18.500 tỷ đồng.

Ngoài 2.565,4 ha sẽ được giải tỏa ngay để xây dựng công trình trong Giai đoạn 1a, đối với 2.434,6 ha còn lại, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình trên khu đất được quy hoạch cho giai đoạn cuối của Dự án, tránh để trống đất gây lãng phí đất đai.

Khái toán tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau: Vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 21.849,4 tỷ đồng, trong đó giai đoan 1a là 11.076,9 tỷ đồng; Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP)) là 92.648 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1a là 71.079 tỷ đồng.

Đối với vốn ODA, dự án dự kiến huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế song phương và đa phương. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ vay lại từ Chính phủ và tự trả nợ.

Đối với các hạng mục huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước, sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên cơ sở Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam sẽ ưu tiên tích lũy vốn đối ứng cho dự án như đã làm với công trình xây dựng nhà ga T2 Tân Sơn Nhất và Nội Bài, tiến hành cổ phần hóa để huy động vốn tư nhân, sử dụng nguồn khấu hao của các dự án chưa đến thời điểm trả nợ cũng như kêu gọi các hãng hàng không Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư...

Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, theo tính toán, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%. Tỷ suất này được đánh giá là cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội tiêu chuẩn trung bình của các công trình công cộng tại Việt Nam (trong khoảng từ 10% đến 12%); do đó, việc thực hiện Dự án là khả thi cao.

Hiện nay, Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không sân bay phục vụ hàng không dân dụng (gồm 07 Cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không, sân bay nội địa) trong tổng số 26 cảng hàng không được quy hoạch, với lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ngày càng tăng. Trong giai đoạn năm 2002 - 2012, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm. Theo số liệu thống kê năm 2013, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đã đạt hơn 44,5 triệu hành khách và 760 nghìn tấn hàng hóa, tăng 17,3% và 17,2% tương ứng so với năm 2012.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam đạt tương ứng 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm. Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua vào năm 2030.

Trong khi đó, trong vòng 15 năm qua (1999 - 2013), sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% về hành khách (16,7% quốc nội và 11,2 % quốc tế) và 12,9% về hàng hóa (14,7% quốc nội và 12,2% quốc tế).

Thực tế, năm 2013 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016 - 2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 sản lượng hành khách là 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách). Hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một cảng hàng không nhằm giải quyết vấn đề quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án sân bay Long Thành cần 18,7 tỷ USD vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.