Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm

Minh Quỳnh| 02/03/2011 07:29

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ các công trình giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (LTIA), để phát huy hiệu quả sân bay dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải và không thể mở rộng vì nằm trong khu vực nội thành.


Sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ quan trọng ở phía Nam, xây dựng trước năm 1975 và được nâng cấp trong giai đoạn 1990-2003. Sân bay này có nhà ga quốc nội đáp ứng 7 triệu hành khách/năm và ga quốc tế 10 triệu hành khách/năm. 15 năm qua, lượng hành khách quốc nội tăng với tốc độ 13,4% và khách quốc tế tăng 9,3%. Hiện, sân bay đang vận chuyển mỗi năm hơn 12 triệu hành khách (gồm 6 triệu hành khách quốc tế, 6 triệu hành khách quốc nội) và 278.000 tấn hàng hóa. Theo dự báo của ngành hàng không, lượng hành khách sẽ vượt con số 20 triệu trước năm 2020 và vào năm 2030 các sân bay quanh khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ phải đáp ứng lượng hành khách là 44,5 triệu và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi nhu cầu vận chuyển không ngừng tăng lên thì sân bay Tân Sơn Nhất lại không thể mở rộng do nằm trong khu vực đông dân cư. Tình hình giao thông quanh khu vực này càng "nóng", các tuyến cửa ngõ ra vào sân bay thường xuyên ùn tắc. Vì vậy, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng với quy mô gấp 4 lần sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và phát triển kinh tế.

Theo quy hoạch được duyệt, LTIA sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.000ha thuộc địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 40km, cách TP Vũng Tàu 48km. Hệ thống đường cất cánh, hạ cánh của sân bay gồm 4 đường với độ dài 4.000m, rộng 60m, đường lăn, sân đỗ máy bay, khu nhà ga hành khách, hàng hóa, hệ thống đường giao thông, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay…. Sân bay có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo quy hoạch, năm 2020, LTIA sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Đến năm 2030 công suất vận chuyển của sân bay sẽ là 25 triệu khách/năm và đạt 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2035. LTIA sẽ đảm nhận 80% khách quốc tế và 20% khách quốc nội; còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ 80% khách quốc nội và 20% khách quốc tế. Như vậy, trong tương lai, sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong nước. Trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến 2035, toàn bộ hoạt động của Tân Sơn Nhất sẽ được chuyển dần về LTIA.

Tại cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành TP Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng không thể chuyển toàn bộ hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất về LTIA, bởi sân bay này cần tồn tại để phục vụ lượng lớn hành khách trong một đô thị phát triển nhất đất nước.  Bên cạnh đó, một số ý kiến lo ngại dự án sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể đi vào hoạt động trước năm 2020, nhất là trong điều kiện có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ngoài ra, muốn khai thác hiệu quả LTIA, phải sớm đầu tư các dự án giao thông đường bộ, đường sắt kết nối...

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến thống nhất hồ sơ quy hoạch tổng thể LTIA do Bộ GTVT chủ trì. UBND TP cũng đề nghị Bộ GTVT cho sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục hoạt động sau khi LTIA đi vào vận hành hoàn chỉnh vì sân bay này có vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, như đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4, số 5. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ các công trình giao thông kết nối với LTIA, gồm:  Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; các đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và hệ thống đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 51 để phát huy hiệu quả sân bay này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.