(HNM) - Dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tháng 8-2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định giao Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) "thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ". Công ty Hồng Hà đã lợi dụng việc này để trục lợi. Khi bị phát hiện, lãnh đạo Công ty Hồng Hà đã tìm mọi cách thoái thác, lẩn tránh....
Câu chuyện của chủ đầu tư
Dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tháng 8-2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định giao Công ty Hồng Hà "thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ". Đồng thời, có Công văn số 592, ngày 23-8-2010, nêu quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của CBCNV và đồng ý về nguyên tắc cho Công ty sử dụng để kinh doanh 15% căn hộ trên tổng dự án mà Công ty Hồng Hà bỏ vốn đầu tư. Và việc này, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ báo cáo xin ý kiến của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà thì ngày 8-9-2010, UBND quận Hoàn Kiếm nhận được báo cáo trên mạng internet có đăng tin rao bán căn hộ trong dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng của Công ty Hồng Hà. Việc rao bán này là không hợp pháp, gây dư luận tiêu cực nên UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán trên. Ngày 9-9-2010, Công ty Hồng Hà đã có công văn cam kết không có việc rao bán các căn hộ trong dự án. Tuy nhiên, sự việc vẫn tiếp diễn và có chiều hướng phức tạp nên ngày 22-4-2011, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản số 295/UBND-KT gửi Công ty Hồng Hà thông báo hủy Công văn 592, ngày 23-8-2010 và khẳng định mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng cũng như bán hoặc chuyển nhượng dự án này là trái quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Và việc lợi dụng tín nhiệm
Hầu hết những người mang tiền "nộp" vào dự án này đều tiếp nhận thông tin rao bán nhà trên mạng internet, sau đó, qua mạng lưới "chân rết" tiếp thị, khách hàng được dẫn đến làm việc trực tiếp tại Công ty Hồng Hà, có trụ sở tại số 109, đường Trường Chinh. Tại đây, khách hàng được đại diện Công ty cho xem bản phô tô thiết kế dự án, các văn bản, quyết định của UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm liên quan đến dự án, đồng thời hứa sẽ bán căn hộ chung cư sau khi dự án hoàn thành với giá 14,5 triệu đến 15 triệu đồng/mét vuông. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá thị trường thời điểm giữa năm 2011 nên rất nhiều người đã chấp nhận nộp tiền góp vốn. Sơ bộ ban đầu, một văn phòng luật sư đại diện cho các hộ dân góp vốn đã thu thập được danh sách hàng chục người đã ký hợp đồng góp vốn, với số tiền ít nhất là 500 - 600 triệu đồng, thậm chí có người nộp nhiều đến hàng chục tỷ đồng.
Thủ đoạn đầu tiên mà Công ty Hồng Hà áp dụng là hứa hẹn. Hứa được mua nhà với giá rẻ, cam kết hết quý II-2011 nếu không khởi công sẽ trả lại tiền cùng lãi suất... Đợi mãi không thấy dự án khởi công như cam kết, nhiều người đã gọi điện đến Công ty Hồng Hà và được khẳng định dự án vẫn triển khai, chỉ chậm lại một thời gian do thay đổi thiết kế. Kèm theo đó là lời hứa, nếu không tin tưởng khách hàng có thể đến Công ty Hồng Hà nhận lại tiền bất kỳ lúc nào. Khi sự việc vỡ lở và biết không còn ai tin lời hứa nữa thì lãnh đạo Công ty Hồng Hà dở bài chây ì. Đầu tiên, Phó Ban dự án khu đô thị giãn dân phố cổ của Công ty Hồng Hà là ông Phan Văn Mai hẹn sau 30 ngày sẽ có người liên hệ để thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền nhưng quá 30 ngày không có ai giải quyết. Gặp được Tổng Giám đốc Trần Ứng Thanh thì ông Thanh nói đã ủy quyền giải quyết cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Xương. Gặp ông Xương (là người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn với khách hàng) thì ông Xương nói ông Thanh là sếp, là chủ tài khoản nên phải chờ ông Thanh. Cuối cùng, tất cả những ai đến hỏi về việc rút vốn đều bị chặn lại ở cổng, với câu trả lời là "lãnh đạo đi vắng". Nếu muốn vào phải có giấy hẹn của lãnh đạo công ty. Chiêu này có vẻ hiệu quả vì liên lạc qua điện thoại còn khó huống gì gặp được trực tiếp lãnh đạo công ty để có giấy hẹn.
Theo Luật sư Vũ Thị Thu Hà, Luật sư điều hành Công ty Luật LAWPRO, việc huy động vốn của Công ty Hồng Hà là có dấu hiệu "lạm dụng tín nhiệm" và "cố ý làm trái" để chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi, Công ty Hồng Hà mới chỉ được phép thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án. Mặc dù có cam kết với chính quyền quận Hoàn Kiếm không rao bán căn hộ nhưng Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục đăng tin, ký hợp đồng góp vốn; đồng thời phớt lờ các văn bản nhắc nhở, cảnh báo vi phạm của chính quyền quận Hoàn Kiếm. Đặc biệt, ngày 22-4-2011, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản 295 hủy văn bản 592 ngày 23-8-2010 nhưng Công ty Hồng Hà vẫn dùng văn bản 592 làm căn cứ ký hợp đồng tiếp tục huy động vốn của nhiều người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.