(HNM) - Những năm qua Thủ đô ta từng thực hiện nhiều dự án xã hội nhằm giải quyết hai vấn đề lớn: Giao thông và vệ sinh đô thị.
Được chính quyền quan tâm, các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể ủng hộ; được trợ giúp về chuyên môn, kinh nghiệm, phương tiện, tài chính, nhiều dự án đặt mục tiêu rất thiết thực: Giao thông theo đúng làn đường, tốc độ, tuân thủ tín hiệu, biển chỉ dẫn, sự điều hành của cảnh sát; vệ sinh không vứt rác bừa bãi, rác sinh hoạt cần phân loại cho vào những túi nhất định rồi để vào nơi quy định để thu gom…
Không gì đơn giản hơn, cứ như dạy trẻ nhỏ, vậy mà những dự án chuẩn bị công phu, phổ biến rộng khắp, tuyên truyền mạnh mẽ lại chưa đạt mục tiêu đề ra: Sau khi hoàn thành dự án những vấn đề mà nó muốn giải quyết vẫn còn nguyên, thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn, khó giải quyết hơn.
Tại sao lại như vậy?
Sai lầm là do quan niệm về loại dự án đặc biệt này và phương thức thực hiện không đúng; trách nhiệm thuộc về chủ dự án và người dân.
Loại dự án này, thường được ngân sách nhà nước hoặc quốc tế tài trợ, khác hẳn về mục đích với những dự án công trình. Đây là "một kiểu giải mẫu, với thông số cụ thể" một bài toán ví dụ để từ đó tìm ra cách giải tổng quát cho bài toán thực với những thông số X, Y, Z; là "chỉ dẫn thực hành một hoạt động, việc làm thực tế trên thực địa, trên quy mô nhỏ" để rút kinh nghiệm từ đó tìm được hướng khả thi nhất giải quyết vấn đề cần thiết trên quy mô lớn. Tóm lại, mục đích của dự án này là "kích hoạt, khởi động cả bộ máy lớn" để thực hiện một chương trình xã hội nào đó. Dự án loại này hoàn toàn không phải là "một gói thầu nhỏ" trong "tổng thầu" để khi hoàn thành là xong. Với những dự án này, hoàn thành mới chỉ bắt đầu, mới chỉ "sắm được dây thừng", còn muốn có bò, cần phấn đấu nhiều.
Phương thức thực hiện cũng không phù hợp: Làm kiểu phong trào, thí điểm, lấy thành tích nên dồn toàn sức, toàn của để đạt mục tiêu trước mắt, không chuẩn bị thực lực lâu dài nên dự án xong thì tiền hết, mà sức cũng không còn; điều kiện, phương tiện làm tiếp lại càng không.
Chủ dự án, rất biết thực trạng giao thông và vệ sinh nơi mình sống, làm việc, những vấn đề nó đặt ra và cần làm những gì để dự án đạt hiệu quả cao nhất và tiếp tục mở rộng thành quả, nhưng họ, vốn quen dựa dẫm, ngại trách nhiệm, nên cứ "bẩn đâu giặt đó", mai sau sẽ tính.
Những dự án kiểu đó thường được các tổ chức quốc gia hoặc quốc tế tài trợ nên vốn cấp và thời gian có hạn, không dễ gì phát sinh hoặc kéo dài. Hết thời hạn là hết dự án, hết tiền. Mà hết tiền, hiển nhiên là ta nghỉ, bất chấp hay dở ra sao. Ta làm cho ta, vì cuộc sống của ta, lại được bên ngoài trợ giúp, mà cứ như làm thuê cho thiên hạ. Chủ dự án tắc trách đã vậy, người dân cũng vô ý thức, ích kỷ không kém, chỉ biết nhanh, tốt cho riêng mình ở ngoài đường; sạch đẹp cho gia đình mình ở trong nhà. Rõ ràng ai cũng biết, cũng hiểu những dự án đó rất tốt cho Thủ đô, cho xã hội và gia đình, mỗi người, nhưng chẳng mấy ai muốn thực hiện bởi như vậy sẽ phải "hy sinh" chút tự do, lợi ích riêng của bản thân "cho quyền lợi" của người khác, cho bộ mặt của thành phố…
Đó là tại sao "Dự án hoàn thành, vấn đề còn đó". Chúng ta đang trở thành nạn nhân của chính mình, của lối sống thờ ơ, ích kỷ. Còn làm việc như vậy, còn sống như vậy, thì một hay nhiều dự án cũng sẽ ít mang lại hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.