Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Khó bảo đảm tiến độ

Tuấn Khải| 01/06/2013 07:43

(HNM) - Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch cuối năm 2014 sẽ hoàn thành, tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2013, dự án mới hoàn thành gần 40% khối lượng công việc.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua hồ Đống Đa Ảnh: Bảo Lâm



Tuyến ĐSĐT Cát Linh do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào đầu năm 2015 và đưa vào khai thác trong quý II năm 2015. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.769 tỷ đồng, có điểm đầu là ga Cát Linh (ngã 5 Giảng Võ-Cát Linh-Giang Văn Minh), điểm cuối là ga Bến xe Hà Đông mới, dài 13,1km, bao gồm 12 nhà ga và một khu Depot. Theo thiết kế, đây là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn), thiết kế đường đôi, khổ 1.435m, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8. Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách, tốc độ tối đa là 80km/h. Thời gian khai thác hằng ngày của tuyến ĐSĐT này bắt đầu từ 5h đến 23h với tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến. Sau khi hoàn thành, dự án đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Do tính chất quan trọng của dự án nên kể từ ngày khởi công đến nay, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT cũng như Ban QLDA ĐSĐT, các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án đang bị chậm tiến độ.

Giám đốc Ban QLDA ĐSĐT Trần Văn Lục cho biết, theo kế hoạch, năm 2013 phải cơ bản hoàn thành công tác GPMB; 80% khối lượng thi công trụ cầu trung gian (360/425 trụ); 65% khối lượng đúc dầm (540/806 phiến dầm); triển khai thi công toàn bộ 12 nhà ga, trong đó hoàn thành 50% kết cấu chính của các nhà ga… Nhưng đến nay, tổng khối lượng công việc thực hiện mới đạt 39%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu GPMB bị ách tắc. "Tắc" nhất là mặt bằng đoạn qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân và phần mở rộng Nghĩa trang Trinh Lương để di dời Nghĩa trang Văn Nội của quận Hà Đông… Trong thời gian tới, nếu việc GPMB tiếp tục chậm trễ, khả năng dự án không thể hoàn thành theo tiến độ là rất lớn.

Cùng với vướng mắc trong GPMB, công trình đang trong hoàn cảnh vừa thi công vừa bảo đảm giao thông trên tuyến quốc lộ 6 nên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Thời gian tới, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện liên quan tập trung quyết liệt hơn cho công tác GPMB. Sở GTVT Hà Nội cấp phép thi công và có phương án phân luồng giao thông hợp lý trên trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung - quốc lộ 6 để nhà thầu có thể mở đồng thời nhiều mũi thi công trên tuyến. Chủ đầu tư đề nghị UBND TP Hà Nội thành lập ngay Công ty Quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoặc giao cho một đơn vị có đủ năng lực tiếp nhận tiểu dự án đào tạo nhân lực được tách ra từ dự án chính; tổ chức tuyển dụng nhân lực theo tiêu chuẩn để gửi đi đào tạo theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại diện Ban QLDA cũng cho biết, trong kế hoạch tổng thể thực hiện dự án, các mốc tiến độ GPMB đã được xác định cụ thể. Trong đó, di dời hạ tầng kỹ thuật đoạn Ba La - Bến xe Yên Nghĩa sẽ được Sở Xây dựng Hà Nội hoàn tất vào ngày 30-6-2013. Khu vực ga Cát Linh được UBND quận Đống Đa hoàn thành GPMB vào ngày 30-9-2013. Đường dẫn vào khu Depot (6,8ha) được UBND quận Hà Đông hoàn thành GPMB vào ngày 30-6-2013. Riêng Nghĩa trang Văn Nội, UBND quận Hà Đông hoàn thành GPMB vào ngày 31-12-2013. Cục Đường sắt Việt Nam và Ban QLDA đang đôn đốc tổng thầu đẩy nhanh tiến độ và triển khai các công việc để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Song để dự án không bị chậm trễ, phía các cơ quan của Hà Nội phải bảo đảm được các mốc tiến độ GPMB này.

Về phía các địa phương, đại diện quận Thanh Xuân, Đống Đa đều khẳng định đây là dự án trọng điểm của quốc gia nên sẽ nỗ lực hết sức trong việc GPMB để kịp bàn giao đất theo mốc nói trên. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết: "Công tác GPMB đang được quận triển khai khẩn trương. Khó khăn nhất chính là việc di dời các ngôi mộ ở Nghĩa trang Văn Nội, bởi theo tập quán của người Việt, việc di chuyển chỉ thực hiện vào khoảng 2-3 tháng trước hoặc sau Tết. Khó khăn nữa là việc thu hồi đất ở, do có chính sách mới nên phải thẩm định giá đầu đi, đầu đến sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường". Quận kiến nghị sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt giá đất. Đối với các hộ bị thu hồi đất ở tại dự án này nhưng tiếp tục bị thu hồi tại dự án mở rộng quốc lộ 6 (chưa triển khai), quận đề nghị được thu hồi một lần. Đồng thời, thành phố xem xét giải quyết vướng mắc về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất nông nghiệp, cụ thể là hạn mức, đối tượng của hộ gia đình, cá nhân khi đã có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Khó bảo đảm tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.