(HNM) - Như Báo Hànộimới ra ngày 11-3 đã đưa tin, các nhà thầu phụ đang gặp khó khăn do Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 (Đường sắt Trung Quốc) là Tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông chậm thanh toán nên chỉ có thể thi công cầm chừng và khó duy trì quân số cũng như máy móc trên công trường.
Tiến độ nhiều hạng mục thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị chậm so với cam kết. Ảnh: Mạnh Hà |
Thầu phụ lao đao
Ngay trong những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, trên công trường thi công dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ GT-VT, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt (Bộ GT-VT) cùng Tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 - Đường sắt Trung Quốc) và các nhà thầu đã ký cam kết phát động thi đua để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2016. Thế nhưng, rất nhanh sau lễ cam kết, dự án lâm vào cảnh trì trệ. Tại cuộc họp do Bộ GT-VT tổ chức đầu tháng 3-2016, ông Dư Giang, Giám đốc điều hành dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông thừa nhận, tiến độ một số ga đang chậm từ 10 đến 20 ngày so với kế hoạch. Nguyên nhân chậm do nghỉ Tết dài ngày, việc huy động nhân lực chậm, tổng thầu nợ thầu phụ khoảng 400 tỷ đồng.
Khoản nợ nhà thầu phụ như ông Dư Giang nói rơi vào khoảng 400 tỷ đồng, trong khi đó một số thông tin từ Bộ GT-VT lại khẳng định số nợ thực tế lớn hơn thế, khoảng hơn 550 tỷ đồng. Cũng vì khoản nợ rất lớn nên nhiều nhà thầu phụ lâm vào cảnh lao đao. Do áp lực công ăn việc làm, đời sống người lao động cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp nên nhiều đơn vị ngại công khai thông tin.
Song, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, đang có tới hơn 10 doanh nghiệp bị Tổng thầu EPC Trung Quốc nợ tiền. Doanh nghiệp ít nhất khoảng 10 tỷ, doanh nghiệp cao nhất tới cả trăm tỷ đồng. Một số nhà thầu hiện chỉ có thể duy trì số lượng rất hạn chế kỹ sư, công nhân, máy móc và thi công cầm chừng do khó khăn về tài chính. Ngay như khẳng định của Ban QLDA Đường sắt (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu EPC cũng không dám ký tiếp hợp đồng với các nhà thầu phụ vì sợ ký tiếp lại nợ tiền tạm ứng thi công. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới một nửa số nhà ga trong dự án chậm tiến độ 10-22 ngày. Công tác lao dầm nhiều đoạn trên cao cũng đang ỳ trệ.
Quyết không thay đổi tổng mức đầu tư
Ông Dư Giang khẳng định: "Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn là vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay. Chúng tôi đang xem xét giải ngân tiếp cho các nhà thầu phụ và sẽ tiếp tục làm việc với Phòng Thương mại Trung Quốc để thống nhất tổng mức đầu tư, sau đó sẽ giải ngân khoảng 19 triệu USD nữa. Tập đoàn sẽ điều động thêm vốn để giải quyết khó khăn tài chính và nếu giải quyết được, cơ bản đến tháng 9-2016 sẽ hoàn thành các hạng mục như cam kết".
Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt, đến thời điểm này, các nhà thầu đã hoàn thành 100% trụ khu gian, 100% trụ các nhà ga. Ga mẫu La Khê đã hoàn thành toàn bộ kết cấu bê tông và thép của nhà ga; hoàn thành toàn bộ phần xây tường, 95% phần trát, 95% lợp tấm mái và đang bắt đầu sơn, bả, trang trí phòng… Các ga còn lại theo kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành từ tháng 4-2016 cho đến tháng 9-2016; khu kiến trúc depot hoàn thành toàn bộ ngày 3-9; hệ mặt cầu và phụ trợ hoàn thành toàn bộ ngày 22-4; hoàn thành toàn bộ công tác rải ray ngày 19-8; mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị xong trước ngày 30-9; căn chỉnh chạy thử liên động, vận hành thử trên toàn tuyến và đưa vào vận hành thương mại ngày 31-12-2016.
Tuy nhiên, theo ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, việc giải ngân, thanh toán của Tổng thầu cho các nhà thầu phụ rất chậm do vướng mắc trong việc chuyển tiền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ chung của dự án. Ban kiến nghị Bộ GT-VT có ý kiến với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thầu EPC để chuyển trực tiếp tiền giải ngân của dự án về tài khoản của Tổng thầu EPC tại Việt Nam. Cùng với đó, lãnh đạo Tổng thầu cần ủy quyền cho nhân sự của Tổng thầu tại Việt Nam sử dụng số tiền trong tài khoản để chi trả trực tiếp cho các nhà thầu phụ, bảo đảm nguồn vốn cho dự án được sử dụng đúng mục đích.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường khẳng định quyết tâm không thay đổi tổng mức đầu tư cũng như tiến độ đã chốt của dự án. Bộ yêu cầu Ban QLDA phải rà soát lại các gói thầu mà Tổng thầu đang triển khai để thúc đẩy việc ký kết hợp đồng và làm thủ tục thanh quyết toán nhanh nhất, đưa ra các giải pháp để thanh toán nhanh cho các nhà thầu, giải quyết dứt điểm vấn đề phát sinh... Các nhà thầu phụ cũng phải khắc phục khó khăn để ứng vốn thi công. Lãnh đạo Tổng thầu EPC phải có mặt thường xuyên ở Việt Nam, đăng ký làm việc để họp giao ban và đề nghị Tổng thầu ký hết hợp đồng với các nhà thầu nhằm đưa công trình về đích đúng hẹn... Tới đây, lãnh đạo Bộ GT-VT sẽ làm việc với Đại sứ quán và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho dự án…
Như vậy, sau rất nhiều lần điều chỉnh vốn, điều chỉnh tiến độ, đến lúc này dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông lại đứng trước thử thách mới. Điều này đòi hỏi quyết tâm rất mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị chức năng thì dự án mới bảo đảm tiến độ như cam kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.