Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án “Chúng ta làm phim”: Điện ảnh không xa lạ

Quỳnh Trang| 01/12/2010 06:55

(HNM) - Nhắc đến điện ảnh, nhiều người chỉ nghĩ đến những bộ phim

"Chúng ta làm phim" là một dự án điện ảnh học đường chính thức triển khai từ năm 2009, do Quỹ Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam khởi xướng, được sự tài trợ chính của Quỹ Ford. Dự án hướng tới mục tiêu đưa kiến thức điện ảnh vào nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên bước đầu làm quen với công việc làm phim.

Đối tượng tham gia "Chúng ta làm phim" là học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11, sinh viên đại học và cao đẳng. Từ nay tới hết ngày 30-12, dự án tuyển sinh cho 4 lớp - 80 học viên. Chương trình gồm 8 buổi phim truyện và 8 buổi phim tài liệu, mỗi tuần một buổi vào sáng hoặc chiều chủ nhật. Thông tin tuyển sinh được đăng tải tại website http://chungtalamphim.vn/.

Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 20 lớp học đã được tổ chức, tạo điều kiện cho hàng trăm bạn trẻ yêu thích điện ảnh có cơ hội kể câu chuyện của mình bằng hình ảnh. Kết quả trông thấy được của dự án, ngoài 60 phim tài liệu và 10 phim truyện ngắn từ 3 đến 18 phút còn là một phim truyện video xuất hiện trên chương trình Rubic 8 - VTV3 mang tên "Tươi tắn". Ngoài ra, "Mẹ và con" - bộ phim tài liệu của đạo diễn Phan Huyền My - đã giành được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo TPD. Bộ phim này còn được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ chọn để chiếu trong Tuần lễ phim Việt Nam tại Mỹ vào đầu tháng 11 vừa qua.


Tất nhiên, vẫn còn những "định kiến" quanh "Chúng ta làm phim"; có người cho rằng học điện ảnh là điều hão huyền đối với học sinh phổ thông, số lượng đầu phim làm ra quá ít so với số lượng học viên được tuyển chọn... Nhưng điện ảnh là thế, vốn không chấp nhận những gì qua loa đại khái. Mỗi bộ phim là kết tinh cả tài năng, sự đam mê và cả những nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ.

Vì lẽ đó, "Chúng ta làm phim" không có nhiều tham vọng, chỉ là mong điện ảnh trở nên gần gũi hơn, thiết thực hơn, thật trong trẻo và  tươi mới. Phương pháp học là đi thẳng vào thực hành, không bắt buộc ghi chép để giúp các nhà làm phim giữ nguyên được ý tưởng và ngôn ngữ sáng tạo của riêng mình. Mục tiêu hướng tới trong tương lai gần là xây dựng một cộng đồng trẻ yêu thích phim, những người sau này sẽ là khán giả có hiểu biết nhất định với nghệ thuật thứ bảy. Trong số ấy, hy vọng sẽ có người làm điện ảnh chuyên nghiệp, trở thành những tài năng thực sự, đóng góp cho điện ảnh Việt Nam trong 20-30 năm nữa.

Lại bắt đầu một mùa tuyển sinh mới của "Chúng ta làm phim". Phim hay - dở, có được giải hay không được giải không quan trọng bằng việc được kể câu chuyện theo cách riêng của mình. Những gì các bạn trẻ học được từ đây không chỉ là hành trang để bắt đầu con đường làm phim chuyên nghiệp, mà còn là cơ hội tu rèn sự kiên nhẫn, tính kỷ luật, khả năng hợp tác - những đức tính cần thiết cho cuộc sống cũng như nghề nghiệp của mỗi người trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án “Chúng ta làm phim”: Điện ảnh không xa lạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.