Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án “76 căn hộ” tại Dịch Vọng - Cổ Nhuế: Cách tốt nhất là cùng bàn bạc

Khánh Khoa| 05/02/2010 06:36

(HNM) - Một dự án nhà ở kéo dài 16 năm, với thay đổi hàng loạt cơ chế, chính sách. Giám đốc đơn vị chủ đầu tư bị bắt vì vi phạm pháp luật, phần lớn số tiền đặt mua nhà bị tham ô... dẫn đến


Dự án kéo dài 16 năm

Tháng 11-1994, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN&PTNT) có quyết định phê duyệt dự án khả thi đầu tư xây dựng nhà ở của Chi nhánh Công ty Tư vấn - Đầu tư kỹ thuật cơ điện nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm (AGRINCO), tại xã Dịch Vọng và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (gọi tắt là dự án 76 căn hộ). Năm 1995, AGRINCO chuyển thành Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, rồi thành Công ty Tiếp thị - Đầu tư thương mại nông nghiệp phát triển nông thôn (TTĐT-TM). Thời kỳ đầu, với hình thức góp vốn, làm nhà trong nội bộ CBCNV, chủ đầu tư đã huy động tổng cộng 6,3 tỷ đồng, hơn 78.000 USD của 43 cá nhân và 1 đơn vị. Tuy nhiên, sau đó Giám đốc Công ty TTĐT-TM Lã Thị Kim Oanh bị khởi tố, bắt giam, phần lớn số tiền huy động trên (5,5 tỷ đồng) được tòa án kết luận bị bà Oanh tham ô. Cùng với đó, dự án đổ vỡ, các giấy phép liên quan đến việc xây dựng đều hết hiệu lực.

Đến năm 2003, Bộ NN&PTNT có quyết định giao Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) làm chủ đầu tư dự án 76 căn hộ. Sau khi tiếp nhận, Vigecam có văn bản gửi UBND huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, xin tiếp tục dự án, song những thỏa thuận trước đó đã bị chính quyền địa phương bác bỏ do hết hiệu lực. Vì vậy, Vigecam phải tiến hành dự án từ các bước ban đầu như xin cấp đất, thỏa thuận mặt bằng, kiến trúc, giấy phép xây dựng... Đến tháng 12-2008, Hội đồng Quản trị Vigecam mới ra quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình (lúc này còn 53 căn hộ do thay đổi thiết kế, một phần diện tích đất được điều chỉnh dành cho mục đích khác). Đến tháng 12-2009, việc xây dựng hoàn thành hơn 80% khối lượng.

Chủ đầu tư bồi thường, dân yêu cầu trả nhà

Chính vì không thực hiện đúng tiến độ, dự án kéo dài 16 năm, với hàng loạt thay đổi... đã dẫn đến "tranh chấp" giữa chủ đầu tư với 12 cá nhân (nguyên là cán bộ Bộ NN&PTNT). 12 cá nhân cho rằng, họ đã đăng ký tham gia dự án và nộp 20 triệu đồng cho chủ đầu tư là Công ty TTĐT-TM từ những năm 1994-1995. Vì vậy, chủ đầu tư kế thừa sau này có trách nhiệm pháp lý với hoạt động giao dịch trước đây có liên quan. Quan điểm của 12 cá nhân là đề nghị chủ đầu tư giao mỗi hộ một suất đất chia lô diện tích 42-45m2 như quyết định phê duyệt dự án năm 1994 của Bộ NN&CNTP lúc đó. 12 cá nhân cũng cho rằng, tháng 7-2006, Vigecam và các hộ thống nhất, Tổng Công ty bán cho mỗi hộ một căn hộ, theo thiết kế mới, bàn giao hết giai đoạn xây thô. Ngoài khoản tiền đã đóng 20 triệu đồng, các hộ phải nộp thêm các khoản chi phí khác như GPMB, hỗ trợ địa phương... Diện tích xây dựng lớn hơn căn hộ cũ, các hộ phải mua theo giá thị trường.

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho rằng trong biên bản thỏa thuận có nêu Tổng Công ty đồng ý bán cho 12 cá nhân, mỗi người một căn hộ với điều kiện các hộ phải xuất trình hợp đồng mua bán với Công ty TTĐT-TM. Nhưng, trên thực tế các hộ không đưa ra được hợp đồng mua bán. Thêm nữa, số tiền Công ty TTĐT-TM huy động đã bị bà Oanh với cương vị Giám đốc Công ty tham ô, Vigecam không được bàn giao lại. Trước khi, Vigecam được giao làm chủ đầu tư, các giấy phép liên quan đến dự án đã hết hiệu lực, đất chưa được GPMB, chưa được bàn giao. Mọi thỏa thuận về dự án đã bị địa phương bác bỏ vì quá hạn. Về việc giải quyết quyền lợi cho 12 cá nhân trên, Vigecam đề xuất phương án: hoàn trả tiền đặt cọc, tính lãi theo lãi suất vay kinh doanh bình quân 14,4%/năm. Cụ thể, Vigecam phải chi trả 2,2 tỷ đồng (làm tròn) trả cho 297 triệu đồng tiền gốc và 1,9 tỷ đồng trả lãi. Số tiền cho các cá nhân tăng 7,52 lần số tiền đã nộp. Phương án hai, số tiền các hộ nộp được coi là tiền góp vốn dự án, so sánh với tổng mức đầu tư duyệt năm 1994 là 7,313 tỷ đồng và chi phí đã chi, tỷ lệ góp vốn của các cá nhân là 3,66%. Với diện tích xây dựng 2.762m2, Vigecam trả cho các cá nhân tổng cộng 101,05m2 nhà xây thô và thu phí phát sinh 10 triệu đồng/m2, đồng thời bán thêm 37,79m2 với giá 50 triệu đồng/m2.

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư cho rằng, về nguyên tắc nếu hai bên không thống nhất phương án giải quyết có thể nhờ tòa án phân xử. Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng thế nào, những tranh chấp phát sinh liên quan đến cả quá trình dài hàng chục năm với nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách... là rất phức tạp. Thậm chí, có những vụ phải qua nhiều cấp xét xử, mất nhiều thời gian của các bên. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là cùng bàn bạc để tìm tiếng nói chung, phù hợp với quyền lợi của cả hai phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án “76 căn hộ” tại Dịch Vọng - Cổ Nhuế: Cách tốt nhất là cùng bàn bạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.