Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), khoa học công nghệ (KHCN) đã được khẳng định là một trong ba nhóm giải pháp đột phá quan trọng để PVN phát triển nhanh và bền vững.
Với đặc điểm là ngành công nghiệp nặng, nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao; hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao... ngành dầu khí Việt Nam đã rất chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý, KHCN tiên tiến. Đặc biệt, PVN đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu khoa học (NCKH) trong ngành tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ cao, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và những yêu cầu cụ thể của công việc. PVN đã tăng cường hợp tác với các đơn vị trong, ngoài ngành, kể cả trong nước và quốc tế để có những tư vấn hiệu quả cho SXKD. Những năm qua, thực tiễn cho thấy các công trình NCKH của PVN đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề quan trọng, như cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí; các giải pháp duy trì và nâng cao sản lượng khai thác dầu khí; phát triển thị trường; phát triển công nghệ sử dụng khí, cung cấp các số liệu cơ sở về tài nguyên dầu khí của Việt Nam phục vụ kinh doanh, thương mại và triển khai các đề án dầu khí hiệu quả... Cũng nhằm nâng cao năng lực trong các lĩnh vực SXKD, Tập đoàn PVN đã, đang tập trung đầu tư nâng cao năng lực KHCN dầu khí trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; thu gom, vận chuyển, xử lý và sử dụng khí; chế biến dầu khí và hóa dầu; công nghệ công trình dầu khí; lĩnh vực xây dựng và vận hành các nhà máy điện... Bên cạnh đó, PVN luôn chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực KHCN; đổi mới tổ chức và hoạt động KHCN, từng bước cải tiến và hoàn thiện mô hình tổ chức NCKH; tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm KHCN mang thương hiệu Petrovietnam, nhằm từng bước hình thành một thị trường KHCN dầu khí trong tập đoàn. Hợp tác quốc tế về KHCN trong ngành đã được tăng cường và đa dạng hóa một cách có chọn lọc, ưu tiên hợp tác với các đối tác truyền thống để nâng cao năng lực nghiên cứu KHCN cho khối các đơn vị nghiên cứu và tập trung đào tạo cán bộ KHCN có trình độ phù hợp. Giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2025, Tập đoàn PVN tiếp tục đẩy mạnh lựa chọn, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường vào trong các lĩnh vực hoạt động, cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao trong từng khâu công nghệ đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, trước mắt Tập đoàn PVN tập trung nguồn lực chỉ đạo thực hiện thành công 3 nhóm giải pháp mang tính đột phá về KHCN (về cơ chế, chính sách phát triển hoạt động KHCN; đột phá trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KHCN). Kinh tế nước ta đang trong quá trình tái cấu trúc, nhằm phát triển theo chiều sâu, phát triển nhanh, bền vững và Tập đoàn PVN sẽ là nhân tố quan trọng, tạo bước đột phá để thực hiện thành công mục tiêu này. Tuy nhiên, Tập đoàn PVN kiến nghị, cấp có thẩm quyền tiếp tục có chính sách ưu tiên phát triển KHCN, tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy khả năng sáng tạo của các nhà khoa học. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách đưa KHCN trở thành "quốc sách" để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu của Tập đoàn PVN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đồng thời, cả Nhà nước và DN cần tăng cường đầu tư cho KHCN, nhất là các công nghệ quan trọng trong một số ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; có chính sách ưu đãi hơn nữa về thuế cho hoạt động KHCN... Có như vậy, lĩnh vực KHCN của PVN nói riêng, cả nước nói chung mới bắt kịp trình độ tiên tiến, hiện đại của thế giới và đóng góp xứng đáng vào công cuộc CNH-HĐH cũng như hội nhập quốc tế của nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.