Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá từ vai trò cán bộ, đảng viên

Hiền Lương| 23/10/2010 07:25

(HNM) - Trong nhiệm kỳ 2006-2010, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Kết quả cho thấy, xu hướng ngăn chặn tham nhũng đang ngày càng tích cực hơn. Nhưng những hạn chế trong công tác này không dễ khắc phục được trong ngày một ngày hai, càng không thể bị coi nhẹ.

Ba hạn chế lớn

Năm năm qua, Hà Nội đã thực hiện 7 nhóm giải pháp PCTN như tuyên truyền - giáo dục; phát huy tính gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên; công tác cán bộ; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan: hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế - xã hội phục vụ PCTN; giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử; phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Giám sát cộng đồng, một trong những biện pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng ở cơ sở. Ảnh: Thái Hiền

Trong số 7 nhóm giải pháp này, hiệu quả nổi bật nhất là nhóm giải pháp có tính răn đe, trấn áp của lực lượng CA, thanh tra. Qua thanh tra, từ năm 2006 đến nay, TP đã phát hiện các sai phạm liên quan đến tham nhũng trên 360,6 tỷ đồng và 661ha đất. Trên cơ sở này, các cơ quan thanh tra TP đã kiến nghị thu hồi 350 tỷ đồng, đưa vào quản lý trên 600ha đất. 126 cán bộ bị kỷ luật, 8 tập thể bị kiểm điểm trách nhiệm. 12 vụ việc đã được các cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, thuế, mua sắm và sử dụng thiết bị trường học, cổ phần hóa chiếm phần lớn trong số hơn 1.600 cuộc thanh tra. Trong 5 năm qua, ngành CA đã thụ lý, điều tra 178 vụ án về tội danh tham nhũng. Toàn ngành tòa án đã giải quyết xong 153 vụ, với 511 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Rất khó để đánh giá được số vụ việc, số sai phạm liên quan đến hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý chiếm bao nhiêu phần trăm "tảng băng tham nhũng". Nhưng những con số nói trên một phần phản ánh tính chất nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay, một phần cho thấy công sức của các lực lượng tham gia PCTN.

Đối với các nhóm giải pháp còn lại, TP đều tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù số lượng công việc không phải là nhỏ, nhưng hiệu quả mới chỉ mang tính chất bước đầu. Chẳng hạn như nhóm giải pháp tăng cường giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử hay tăng cường tính gương mẫu, tiên phong của tổ chức Đảng và đảng viên trong PCTN, dù được thực hiện rất tích cực nhưng hiệu quả chưa tốt. Tổng kết bước đầu 5 năm thực hiện PCTN, Hà Nội thừa nhận còn 3 hạn chế lớn trong công tác này. Trong đó, điểm nhấn là vai trò và trách nhiệm chưa cao của cán bộ, công chức trong PCTN, cũng như một số cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội. TP nhận định, tính chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác phê bình, kiểm tra trong nội bộ tổ chức cơ quan.

Nêu cao vai trò người đứng đầu

Năm 2010, Hà Nội có 18 cá nhân được Ban Chỉ đạo PCTN TƯ khen thưởng vì đã dũng cảm đấu tranh và tố giác những vụ việc tham nhũng ở địa phương. Đối đầu với tội phạm tham nhũng luôn là việc khó khăn, nhiều thách thức; nhưng trong hoàn cảnh như vậy, vẫn xuất hiện hàng chục cá nhân đã thành công trong PCTN (được vinh danh). Điều này cho thấy, nếu được khuyến khích và tạo điều kiện tốt hơn nữa, chắc chắn người dân sẽ tham gia tích cực và đóng góp nhiều hơn cho công tác này. Chống tham nhũng cần có những giải pháp mang tính quy mô lớn, huy động sự tham gia của mọi lực lượng trong xã hội. Vì vậy, xây dựng môi trường xã hội PCTN hay "xã hội hóa" công tác PCTN cần được coi trọng và đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là mở rộng công khai, minh bạch thông tin và hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, thiết lập cơ chế, chính sách bảo vệ và khuyến khích đối với người tham gia PCTN.

Trong các giải pháp PCTN, nổi lên vai trò đặc biệt của cán bộ, công chức, đảng viên ở các cơ quan, tổ chức nhà nước. Họ chính là lực lượng có ý nghĩa mấu chốt trong công tác PCTN hiện nay. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước giữ vai trò là hạt nhân. Một trong những bài học mà Hà Nội rút ra trong 5 năm thực hiện PCTN vừa qua là: "Ở cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu có chuyên môn vững, thực sự có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt thì ở nơi ấy kết quả PCTN rõ nét, có hiệu quả thiết thực và ngược lại". Chúng ta vẫn nói "đảng viên đi trước làng nước theo sau". Ngay cả cán bộ, đảng viên còn rụt rè, thiếu tích cực trong PCTN thì làm sao khuyến khích được người dân tích cực tham gia công tác này.

Thế nên, muốn xây dựng môi trường xã hội PCTN cần phải "đột phá" từ vai trò của cán bộ, đảng viên trước tiên. Có nhiều giải pháp PCTN, nhưng xét cho cùng, giải pháp nâng cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong PCTN phải được coi là giải pháp trung tâm. Có xây dựng thành công một xã hội PCTN thì tham nhũng mới có thể bị đẩy lùi thực sự, chứ không phải dừng ở mức "từng bước được đẩy lùi" như đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay. Đây cũng chính là kỳ vọng của người dân và là yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền TP trong nhiệm kỳ tới.

Kết quả PCTN qua các con số

* 1.029 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các lĩnh vực ''nhạy cảm'' đã được chuyển đổi vị trí công tác.

* Tính từ ngày 1-6-2006, thời điểm Luật PCTN có hiệu lực đến nay, TP Hà Nội đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu 41 cơ quan để xảy ra tham nhũng.

* Qua tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TP đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi đưa vào quản lý 341 tỷ đồng, 12,1ha đất, xử lý 251 cán bộ, công chức, chuyển cơ quan điều tra 15 vụ…

* Ngành thanh tra đã tiến hành 1.628 cuộc thanh tra. CATP điều tra, khám phá 178 vụ, 378 đối tượng về tội danh tham nhũng. Các ngành kiểm sát, tòa án đã truy tố, xét xử 173 vụ, 573 bị cáo phạm các tội về tham nhũng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá từ vai trò cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.