(HNM) - Hai năm trước, việc Đội tuyển Bóng chuyền nam Việt Nam văng khỏi nhóm 3 đội dẫn đầu SEA Games được coi là bất ngờ lớn. Bởi trước đó, năm 2007 tại Korat (Thái Lan), Đội tuyển nam Việt Nam đã thi đấu tưng bừng, loại cả chủ nhà Thái Lan để vào chung kết với Indonesia.
Kỳ vọng rồi thất vọng
Kể cả khi Đội tuyển Việt Nam thua Indonesia 0-3 trong trận chung kết tại SEA Games 24 thì người hâm mộ vẫn gửi gắm kỳ vọng lớn lao về tương lai của đội. Dàn VĐV hừng hực sức sống, trong đó có mũi nhọn Ngô Văn Kiều vào hàng hay nhất Đông Nam Á, đúng là Đội tuyển Việt Nam rờ rỡ cơ hội vươn xa.
Phong độ không ổn định khiến Đội tuyển Bóng chuyền nam Việt Nam (áo trắng) càng thêm khó để tìm lại mình tại SEA Games 26.
Vậy mà chỉ một SEA Games 25 bết bát đã dập tắt niềm hy vọng vào bóng chuyền nam. Vẫn còn Ngô Văn Kiều nhưng khi cầu thủ này không sung sức, những cú đập như búa bổ của anh suy giảm thì phương án tấn công của Đội tuyển Việt Nam chẳng còn đe dọa được đối phương. Trên băng ghế huấn luyện vẫn còn HLV trưởng lão làng Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng những sự điều chỉnh của ông không đủ giúp đội tuyển thoát khỏi khó khăn. Đội tuyển thua Thái Lan hay Indonesia thì có thể hiểu được, trận thua trước Myanmar mới làm các nhà chuyên môn giật mình. Mọi người nghĩ lại về tham vọng vươn lên top đầu Đông Nam Á của bóng chuyền nam Việt Nam.
Sau SEA Games 25, Đội tuyển Việt Nam thua thêm 2 trận nữa trước Myanmar và đó là điều đáng báo động nếu bóng chuyền nam Việt Nam vẫn đặt mục tiêu vào top 3 SEA Games 26. Những trận thua trước Myanamar, được đánh giá là không hơn Đội tuyển Việt Nam, đều trong thế bế tắc đã khiến sự tự tin vào một thành tích khả quan tại SEA Games 26 suy giảm dù lần này, chắc chắn tay đập Nguyễn Hữu Hà đã trở lại để chia sẻ gánh nặng ghi điểm với Ngô Văn Kiều.
Phụ thuộc vào thầy
Vấn đề của Đội tuyển Việt Nam có lẽ không nằm ở đội ngũ cầu thủ, mà là ở băng ghế huấn luyện. Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam đã có ý nâng tầm đội tuyển quốc gia bằng việc thuê HLV ngoại ngay từ đầu năm. Không quẩn quanh HLV châu Á mà nhắm hẳn một HLV Brasil cho đội tuyển quốc gia. Những hy vọng về một lối chơi tươi mới, một phong độ mới của đội tuyển khi được dẫn dắt bởi một HLV đến từ nền bóng chuyền hàng đầu thế giới đã được nói ra. Tuy vậy, mối lương duyên của LĐBC Việt Nam với HLV Sabatini (Brasil) sớm đứt đoạn vì nhiều lý do. Vì đội tuyển chưa có sự đột phá về lối chơi, hay vì những đòi hỏi tài chính của vị HLV Brasil và cả những lý do khác mà chỉ người trong cuộc mới biết?
Sau sự đổ vỡ ấy, LĐBC Việt Nam vẫn bị thôi thúc bởi phương án thuê HLV ngoại. Lần này là hướng đến các HLV Trung Quốc với mức lương không quá 5.000 USD/tháng. Mức lương này không cao nếu so với mặt bằng thu nhập chung của đội ngũ HLV nước ngoài. Ngay từ khi đề ra phương án này, ông Trần Đức Phấn - Tổng Thư ký LĐBC Việt Nam đã nói rằng phải chấp nhận một HLV tầm tầm khi chỉ đáp ứng được mức lương vừa phải. Cuối cùng, việc đàm phán với các HLV ngoại cũng không đến đâu và bây giờ LĐBC Việt Nam đành quay về phương án sử dụng HLV nội, cụ thể là HLV Nguyễn Mạnh Hùng, người đã đưa Đội tuyển Việt Nam lần đầu đoạt HCB tại SEA Games 24 nhưng trắng tay tại SEA Games 25.
Sử dụng HLV nội cũng đồng nghĩa LĐBC Việt Nam chấp nhận cảnh đội tuyển sẽ có thể không có đột phá về lối chơi. Bởi những gì hay nhất, tinh túy nhất và cả những hạn chế thì HLV họ Nguyễn đã thể hiện hết ở đội tuyển sau nhiều năm gắn bó. Vì vậy, đoạt huy chương hay không đoạt huy chương tại SEA Games 26 vẫn là dấu hỏi với Đội tuyển Bóng chuyền nam quốc gia. Tất cả phụ thuộc vào việc thầy trò HLV Nguyễn Mạnh Hùng sẽ giải "bài toán Myanmar" như thế nào sau 3 lần thất bại gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.