Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột biến trong dự báo

Vân Khanh| 30/01/2012 07:03

(HNM) - Không chờ lệnh cấm vận dầu mỏ từ Iran vừa được Liên minh Châu Âu (EU) nhất trí áp đặt chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7 tới, Tehran tuyên bố sẽ hành động để lập tức chấm dứt mối quan hệ làm ăn với các thành viên EU.

Dù chỉ nhập khẩu khoảng 20% lượng dầu thô của quốc gia Hồi giáo, nhưng muốn hay không, Châu Âu phải tìm kiếm những nhà cung cấp năng lượng khác để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Tehran. Chiếm khoảng 6% nhu cầu nhiên liệu của toàn EU, Châu Âu không có lý do để điêu đứng nếu không nhập dầu mỏ của Iran. Lượng dự trữ từ các kho dầu quốc gia sẽ đủ dùng cho ba nước đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch từ Tehran nhiều nhất là Hy Lạp trong 86 ngày, Tây Ban Nha trong 104 ngày và Italia trong 123 ngày. Nhưng, cũng không nên lầm tưởng rằng, cấm vận dầu mỏ từ Iran khiến EU đang ngập trong nợ nần sẽ dễ chịu hơn. Cuộc lập trình lại nguồn cung năng lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hàng đầu thế giới thật không dễ dàng. Sự ổn định trên thị trường dầu mỏ thế giới mà Châu Âu muốn duy trì sau quyết định trừng phạt Iran sẽ gặp thêm khó khăn khi lộ trình 6 tháng mà EU đặt ra để từ chối dầu mỏ nhập từ nước này đang bị Tehran thách thức với tuyên bố ngừng cung dầu ngay tức thì. Nếu cảnh báo này thành hiện thực, thì sự biến động của giá nhiên liệu toàn cầu trong những ngày tới sẽ là hiện thực trong bối cảnh Châu Âu không còn thời gian 6 tháng cho một sự chuẩn bị như dự tính.

Tình trạng giá dầu cao không tương xứng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp như cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ rõ ràng hơn nếu những nguồn cung thay thế mà thế giới đang chờ đợi không đảm nhiệm được vai trò của nó trong một thời gian chưa thể xác định. Bình luận đầu tiên của IMF xung quanh cuộc chiến năng lượng EU - Iran rằng giá dầu có thể bị thổi thêm 20 đến 30 USD/thùng (tương đương 20 - 30%) là một cảnh báo để ngỏ về sự căng thẳng mới trên thị trường dầu thô giữa lúc những bước đi khó nhọc để thoát khỏi bóng đen nợ nần, khủng hoảng, suy thoái… ở khắp nơi đang rất cần một mặt bằng giá nhiên liệu thấp. Nếu như Mỹ chẳng hề hấn gì sau động thái của EU và Châu Âu đã chuẩn bị đón nhận cú đáp trả từ Iran thì Châu Á vô hình trung lại trở thành "nạn nhân" của chiến dịch cô lập quốc gia Hồi giáo. Không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản, những đại gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đều là khách hàng lớn của Iran khi lượng dầu nhập từ nước này chiếm từ 10% đến 11% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của họ. Do đó, những rắc rối của Iran không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng tới giao thương với Châu Á. Chẳng thế mà các nhà lãnh đạo hai cường quốc tiềm tàng này đã lập tức có các chuyến bang giao tới những quốc gia Vùng Vịnh mà dư luận cho rằng mục tiêu không nằm ngoài việc khai thông những dòng năng lượng mới nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế đang rất khát nhiên liệu nhưng lại cần một tăng trưởng bền vững.

Cho đến thời điểm hiện tại, cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Châu Âu và Mỹ đều tỏ ra tự tin với hứa hẹn từ một số thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đặc biệt là người "anh cả" Saudi Arabia sẽ tăng công suất tối đa để đủ bù đắp lượng dầu bị thiếu từ Iran. Trong trường hợp này, sự bình ổn trên thị trường năng lượng sẽ là một thực tế và dường như chỉ có một Tehran đơn độc phải gánh chịu hậu quả từ thứ vũ khí thương mại vừa được EU tung ra. Không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế lệ thuộc chủ yếu vào nguồn thu dầu mỏ của quốc gia Vùng Vịnh sẽ bị mất đi hàng chục tỷ USD/năm sau quyết sách vây hãm mạnh mẽ vừa được EU đưa ra. Thế nhưng, khi phần lớn trong 2,6 triệu thùng dầu của Tehran phải nằm im ở các bến cảng thì nguồn dự trữ dầu mỏ tại nhiều nước lại đang dưới mức trung bình. Hậu quả của một thời gian không xác định thắt chặt nguồn cung từ Tehran của EU sẽ làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt trong các kho dự trữ dầu trên khắp thế giới là một hiện thực trong thời gian tới. Trong một thế giới tài chính và tư bản đang thay đổi như hiện nay trên phạm vi toàn cầu, không ai có thể biết chắc cuộc đối đầu dầu mỏ EU - Iran sẽ đi về đâu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột biến trong dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.