Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng tinh hoa bất tận

Hồ Quang Lợi| 18/09/2012 06:01

(HNM) - Mùa Thu, mùa đẹp nhất Hà Nội cũng là thời gian lưu dấu nhiều mốc lịch sử của thành phố 1002 tuổi. Lịch sử Thăng Long - Hà Nội như dòng chảy lớn mà mỗi thế kỷ đều được tiếp truyền phù sa bởi những sự kiện - nhân vật tiêu biểu. Một con người đặc biệt của Thủ đô đương đại mà tôi muốn nhắc tới trong bài viết này - GS, AHLĐ Vũ Khiêu.


1.Dựng chân dung Vũ Khiêu với sự nghiệp đồ sộ, tầm vóc của một đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh quả là bất khả trong một bài báo, cũng như bút lực lúc sung sức nhất của nhiều cây bút trẻ cũng khó được một phần của ông lúc này, khi tuổi đời GS đã ngót một thế kỷ.

Với tôi, Vũ Khiêu là một hiền tài sống động, uy lẫm, tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim bác ái. Ở góc nào, trên các phương diện ông thể hiện - cống hiến, nhân kiệt Vũ Khiêu cũng toát ra sức hút truyền cảm của trí tuệ uyên minh, tài hoa hiếm biệt.

Người ta biết đến ông là một giáo sư mỹ học, triết học, nhà báo, nhà văn, dịch giả, tất cả hội tụ nơi ông, khúc xạ và phản chiếu từ một cốt lõi: học giả, nhà văn hóa tầm cỡ. Người trí thức cộng sản Vũ Khiêu dành cả hành trình cuộc đời vì dân tộc theo một lộ trình duy nhất: dâng hiến quên mình. Nhân dân là động lực để ông phụng sự, thực hiện sự nghiệp văn hóa đa dạng; đồng thời kêu gọi, cổ súy các đồng nghiệp cùng thời đồng hành thành đội ngũ những trí thức cộng sản trọn đời vì lý tưởng. Với Vũ Khiêu, chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội ưu việt vì con người mà ông tin tưởng và coi sự vận động của tiến trình phát triển đất nước theo đổi mới là tất yếu. Ông luôn trưng cầu cái mới và đặt tất cả trong sự vận động vì những điều tốt đẹp hơn.

Không ngừng vận động, ham hiểu biết, học và đọc không ngừng, Vũ Khiêu đã đặt chân tới hầu khắp nước Việt, đến nhiều nước trên thế giới, từ Châu Á sang Châu Âu qua Châu Mỹ. Sự kết hợp văn minh Trung Hoa và Pháp hòa quyện thành phong thái tư duy của ông: trầm sâu, thâm thúy, cổ điển của phương Đông và phóng khoáng, khoa học, cởi mở, hiện đại của phương Tây. Tư duy ấy vận dụng vào nghiên cứu, viết những công trình, tác phẩm chứa hàm lượng tri thức, tư tưởng đáng nể trọng. Bộ não mẫn tuệ ấy vận hành minh triết bằng thái độ trân trọng truyền thống, kinh điển; song luôn soi chiếu, khai thác, phát hiện thêm những nét riêng khác với nhận định quen, phổ biến; tìm ra hệ giá trị ẩn tàng của hiện đại và dự đoán sự đột phá ở tương lai.

Dấu ấn Vũ Khiêu trên nhiều mặt của văn hóa cống hiến xuyên thế kỷ qua sự đa dạng, liên tục, bền bỉ phi thường đã đưa ông thành một quốc bảo của nguyên khí nước nhà. Ông là giáo sư duy nhất Việt Nam hiện nay làm việc tới 16 giờ/ngày khi qua tuổi 96. Viết, chủ biên những bộ sách lớn, dự các hội thảo, hướng dẫn và xây dựng nhiều công trình khoa học, nghiên cứu về khoa học xã hội, văn hóa, Vũ Khiêu là một học giả đa tài mà uy tín khiến giới khoa học, trí thức kính nể; được nhân dân cả nước mộ phục. Cổ văn là sở trường của ông, cũng khó cây bút nào của nền văn học Việt Nam đương đại bì kịp, nếu không nói rằng, sau này nếu thiếu ông thì lấy ai đủ đảm đương, kế cận? Mảng văn tế, văn bia, bài minh phú, câu đối, ông là chuyên gia số 1. Thể cổ văn đòi hỏi sự tuân chỉnh niêm luật chặt chẽ, lại chứa đựng vốn kiến thức lịch sử, văn học sử phong phú, từ vựng dồi dào, nhạc điệu trầm hùng, khí phách… tất cả đều được Vũ Khiêu thể hiện bằng tài năng, xúc cảm tạo nên những tác phẩm gây xúc động nhân quần mà vẫn độc đáo, phong cách rõ nét. Đọc những bài văn bia, nghe văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, đều thấy đó là những áng văn kinh điển đạt độ hoàn hảo của trí lực, thần thái, cuốn hút. Ai hiểu biết cũng nhận thấy ý nghĩa và mối tương cảm. Đọc và nghe những áng văn ấy, người ta thấy tự hào hơn về tiền nhân lớp lớp, về địa danh, chiến công lừng lẫy, về lịch sử vẻ vang, kiêu dũng của dân tộc. Có những bài như tráng ca, lại có những đoạn mà mỗi con chữ ứa tràn nước mắt. Sự thật là không ít lần ông đã khóc vì đồng bào của mình. Đó là lúc viết Văn tế những người chết đói năm 1945, sau khi đã chứng kiến hàng triệu người chết đói ngổn ngang khắp Hà Nội và Nam Định. Đó là khi trắng đêm viết những văn bia, bài cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ thời chống Mỹ. Thông thạo Hán Nôm là thế, ông lại thường viết câu đối bằng tiếng Việt, thêm một cách thể hiện, phát triển quốc ngữ. Đọc Vũ Khiêu, thấy tiếng Việt thật trù phú và đẹp làm sao! Cùng Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng và những văn sĩ tài danh khác, ông là một trong các nhà văn đã góp phần làm giàu, đẹp thêm tiếng Việt.

Để đọc hết những tác phẩm đồ sộ của ông ở các lĩnh vực, cần những nhà “Vũ Khiêu học”; song xem các cuốn sách tiêu biểu mà ông đã viết, chứng kiến những việc ông làm tận lực với trách nhiệm cao, thúc giục những cộng sự trẻ hơn nhiều tuổi cuốn theo, tôi càng thêm kính trọng nhân cách lớn…

2. Ông đã dành những tháng lương hưu để in 9.000 cuốn Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng (2 lần in: 2009, 2012) tặng các địa phương, nghĩa trang, đài liệt sĩ cả nước. Văn bia không chỉ khắc ghi ngợi ca sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ đã hiến dâng mình cho độc lập của Tổ quốc, mà còn an ủi người thân, ruột thịt của họ, nhắc nhở mọi người giáo dục lớp con cháu một cách thuyết phục về lịch sử, qua những chiến công lẫm liệt. Tôi vẫn còn lưu cảm giác xúc động khi dự lễ khánh thành Đại hồng chung ở khu tưởng niệm Côn Đảo, năm 2008. Lúc đó, tôi là Tổng Biên tập Báo Hànộimới, cùng đoàn công tác ra Côn Đảo. Tiếng chuông ngân rung trong không gian cùng giọng đọc bài minh khắc trên chuông: “Ngày hôm nay: Chuông vang xa từ hòn đảo anh linh/ Chuông vang vọng giữa bầu trời đại nghĩa/Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân/Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế”.

Tác giả bài minh không có mặt ở đó, mà ai cũng như thấy ông hiện hữu. Sau đó, tôi may mắn có nhiều dịp được họp, làm việc cùng GS trong các công việc của Hà Nội. Chuẩn bị cho Đại lễ, Thủ đô thực hiện “Tủ sách Thăng Long 1000 năm”, in cả trăm cuốn sách đồ sộ về các lĩnh vực, trải suốt hành trình thiên niên kỷ. Lãnh đạo thành phố đặc biệt tin cậy kiến văn uyên thâm của GS Vũ Khiêu, ông là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của bộ sách đặc biệt quan trọng này. Ông tận tình tâm huyết, nhiều sáng kiến. Trước các đồng nghiệp là đội ngũ giáo sư, nhà khoa học, GS Vũ Khiêu luôn giữ vai trò đầu lĩnh; không chỉ do tuổi tác, mà những ý kiến góp ý, định hướng, kết luận của ông đều chí lý, khiến tất cả Hội đồng tâm phục, khẩu phục. Hàng chục vạn trang bản thảo được GS Vũ Khiêu đọc, biên tập, ở tuổi 94, kịp ra mắt đúng dịp Đại lễ là khối lượng công việc khổng lồ mà phải có một nghị lực đáng kinh ngạc, tình cảm sâu sắc với Thăng Long - Hà Nội, vị chủ biên mới có thể gánh vác, kham tải. Loạt sách được NXB Hà Nội ấn hành rất đa dạng: Danh nhân Thăng Long - Hà Nội, Gương mặt văn hóa Thăng Long Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học nghệ thuật, Tuyển tập thơ Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ, Câu đối Thăng Long, Từ điển đường phố Hà Nội, Văn khắc Hán - Nôm và biên niên lịch sử, Thư mục tư liệu ký - tản văn - tiểu thuyết, Tuyển tập tư liệu phương Tây, Làng nghề, phố nghề trên đường phát triển…

Giáo sư Vũ Khiêu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Tôi kinh ngạc về vốn tri thức và chất xám đặc biệt ấy. Ông có khả năng tổ chức biên tập bản thảo, quán xuyến công việc để bộ sách quý báu đó ra đời đúng thời điểm lịch sử. Công trình này nhờ công lớn của chủ biên Vũ Khiêu, người cầm trịch. Thu 2010, GS Vũ Khiêu đứng đầu danh sách 10 cá nhân được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú đợt đầu tiên. Không phải chỉ dịp Đại lễ, Hà Nội mới nhận được đóng góp của GS. Định cư tại Hà Nội từ 1954, hơn nửa thế kỷ qua, học giả Vũ Khiêu đã dành nhiệt huyết và trí tuệ cho Thủ đô yêu dấu. Viết sâu và hay về danh nhân, các mặt văn hóa, chính là cách để bảo tồn tư liệu, thêm sức sống cho những giá trị tinh cốt của các lĩnh vực thêm ngời sáng và trường tồn.

GS Vũ Khiêu đau đáu gìn giữ tinh hoa di sản của văn hiến Thăng Long cũng như quan tâm thường xuyên, kịp thời các công việc mà Hà Nội đang triển khai, nhất là lĩnh vực văn hóa, từ công tác bảo tồn, xây dựng đến những ý kiến quý báu trong các đợt đặt tên đường, phố.

3.Bộn bề công viêc, dè sẻn từng ngày trong thời gian biểu chật kín, ông vẫn không quên ai. Ông quan tâm đến những người bạn bị thiệt thòi dù nhiều đóng góp to lớn như NSND Sỹ Tiến người Hà Nội gốc, ông tổ cải lương Bắc, sau 30 năm qua đời vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV. Ông kiến nghị đặt tên Võ Quý Huân - một trí thức từ Pháp có 3 bằng kỹ sư (cơ điện, đúc, công nghệ chuyên nghiệp), nghe lời kêu gọi của Bác Hồ, về nước năm 1946 góp sức cho kháng chiến. Do hoàn cảnh, Võ Quý Huân đành để lại người vợ Pháp và con gái nhỏ, từ đó cho đến khi qua đời năm 1967, không hề có dịp về Pháp để gặp lại vợ con. Ông vận thơ Đường, kết nối dòng họ, để đặt cái tên tuyệt đẹp cho bé gái - cháu nội đầu lòng của NSND Hoàng Cúc. Con người có đức vị tha vô cùng ấy không thần tượng ai, không theo tôn giáo, ông đề cao nhân dân, coi nguồn gốc của sáng tạo là cái đẹp chính của cuộc sống. Lý tưởng cộng sản của ông là dâng hiến quên mình. “Đạo” mà ông đeo đẳng suốt đời, là “Đạo Nhân văn”. Không bao giờ đòi hỏi gì cho bản thân, ông chuyên cầu ước cho mọi người. Đến các chùa, ông cũng chỉ khấn nguyện Trời Phật cho dân chúng an lành no ấm. Giữa thời buổi tham vọng có thể tha hóa con người, vị lão trí thức ấy chỉ tâm niệm thế này: “Cầu Phật phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, bảo toàn lãnh thổ, không kẻ thù nào xâm lăng biên giới, bờ cõi vững vàng”. “Lạ” làm sao! Đó là nét đặt thù trong cốt cách Vũ Khiêu. Văn hóa sống của ông là cho đi, như lời K.Mark: “Hạnh phúc nhất của con người là làm cho nhiều người hạnh phúc”.

Với nhiều người được ông chia sẻ, giúp đỡ, Vũ Khiêu như một “tiên ông” và thần thái “thi tiên” tôi đã gặp là lần tới thăm chùa Diên Phúc, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, dịp hội chùa 10-1-2011 nguyệt lịch, nhân lễ khai đàn dược sư cầu quốc thái dân an. GS thỉnh thoảng đến đây vì bạn vong niên - sư nữ Thích Minh Thịnh là một chân tu ông quý trọng. Đôi khi ông cũng dành thời gian vào những dịp các nhà chùa cần, đến làm giúp các câu đối, dịch cổ văn. Chùa Tăng Phúc ở Gia Lâm hay chùa Bạch Sam sắp khánh thành là các chùa ở Hà Nội được ông quan tâm. Hôm ấy, dù mệt, ông vẫn gắng tự lên tháp chuông. Lễ khánh thành Đại hồng chung (quả chuông đồng lớn) của chùa Diên Phúc đã diễn ra dịp đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cánh tay gầy của ông thúc dùi, đánh chuông. Tiếng chuông lan một vùng thanh tĩnh. Êm ả, đẹp quá sự rung động của thiên lương như lay thức kết giao mọi người xung quanh cùng nhịp đồng cảm từ con người văn hóa ấy. Đến đâu, ông cũng luôn nổi bật, không chỉ là sự trầm trồ kính nể trước một GS ngót trăm tuổi vẫn giai lão tinh anh, mà bởi phong thái lịch lãm, chất nghệ sĩ cuốn hút, gần gũi mà đẳng cấp khoa học ở đỉnh cao bậc thầy, tư tưởng Vũ Khiêu gây ảnh hưởng rộng trong nhiều giới và con người ông có sức cảm hóa.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng tinh hoa bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.