Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận gánh vác việc chung

Đăng Vũ| 28/06/2021 06:10

(HNM) - Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã hoàn thành các phần việc để triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội ngày 27-11-2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, kể từ ngày 1-7-2021. Đây là bước đi đột phá trong xây dựng, đổi mới chính quyền đô thị thành phố; đồng thời giải quyết được các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí, trách nhiệm cũng như sứ mệnh của Hà Nội đối với Vùng Thủ đô và cả nước.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội có nhiều điểm đáng chú ý, nhận được sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của người dân Thủ đô. Trong đó, phải nói đến cuộc “cách mạng" về tổ chức và nhân sự khi áp dụng chính quyền đô thị, nhất là việc không tổ chức HĐND phường; cơ cấu tổ chức UBND phường theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, cơ động, linh hoạt… Đặc biệt, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; chủ động tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhân sự; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, phân chia nguồn thu… cũng được đánh giá là những quy định sẽ tạo ra “cú hích”, mở ra giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn cho Thủ đô.

Thực tế, việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội không tránh khỏi những băn khoăn bởi đây là việc làm chưa có tiền lệ. Do đó, các quận, thị xã và phường cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan, bao gồm các văn bản ban hành gần đây của Trung ương, thành phố Hà Nội về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nhận thức thống nhất, xuyên suốt về chính quyền đô thị để cùng thực hiện hiệu quả, bảo đảm ổn định ở cơ sở. Lưu ý, trong quá trình triển khai cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát huy mặt tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, nhất là những vấn đề còn đang có băn khoăn như việc giám sát hoạt động của UBND phường; cơ chế, chính sách cũng như tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức phường…

Mấu chốt của tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền; xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân, bảo đảm Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, chính quyền đô thị khi hoạt động phải cho thấy sự nhanh chóng, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh triển khai hiệu quả các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… những vấn đề sát sườn với đời sống dân sinh đô thị như úng ngập, ô nhiễm môi trường, cấp nước, ùn tắc giao thông… đòi hỏi chính quyền phải có những quyết sách nhanh, bảo đảm tính thống nhất cao trong chỉ đạo, chỉ huy công việc.

Để bảo đảm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành công, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nhân sự chủ chốt như chủ tịch UBND phường rất quan trọng. Đội ngũ này phải nêu gương trên tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học hỏi, đổi mới phong cách, tác phong công tác, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc xây dựng chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế quản lý theo hướng phát triển bền vững. Quyết tâm thực hiện thành công chủ trương này, các cấp, ngành và người dân thành phố cần đồng thuận, nêu cao trách nhiệm gánh vác việc chung, góp phần phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận gánh vác việc chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.