Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận cao vì giảm áp lực, tăng an toàn và sự công bằng, khách quan của kỳ thi

Thống Nhất| 03/06/2021 11:26

(HNMO) - Hôm qua (2-6), UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh một số nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phương án này nhận được sự đồng thuận cao bởi cùng hướng đến mục tiêu số một của kỳ thi, là bảo đảm an toàn cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi. Đồng thời, phương án giảm áp lực cho thí sinh nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu của tuyển sinh đặc biệt là sự công bằng, khách quan của kỳ thi.

Ảnh minh họa.

Chất lượng đề thi không phụ thuộc số câu hỏi

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập sẽ diễn ra ngày 12 và 13-6, tức là vào ngày thứ bảy, chủ nhật với 4 môn thi. Thời gian làm bài thi các môn đều được rút ngắn từ 15 phút đến 30 phút, tùy từng môn. Cụ thể, môn toán và ngữ văn thi trong 90 phút/môn; môn ngoại ngữ và lịch sử thi trong 45 phút/môn. Các môn thi được sắp xếp vào 2 buổi sáng, mỗi buổi thi 2 môn, giảm 1 buổi so với kế hoạch trước đó. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc quyết định phương án tuyển sinh vào lớp 10 thuộc thẩm quyền của các địa phương. Riêng với thành phố Hà Nội, có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất cả nước (hơn 93.000 thí sinh) nên việc nghiên cứu, quyết định điều chỉnh cách thức tuyển sinh phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 là rất quan trọng để bảo đảm mục tiêu kép: Chất lượng và an toàn. Sự điều chỉnh của Hà Nội là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc học sinh chỉ phải đến trường vào 2 buổi sáng là phù hợp nhằm bảo đảm cho công tác kiểm soát dịch chu đáo hơn. 

Trước mối băn khoăn của nhiều người hiện nay là thời gian làm bài thi giảm thì có ảnh hưởng đến việc học tập, ôn luyện của học sinh theo cấu trúc đề thi đã công bố hay không, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, sự phân hóa trong đề thi không phải quyết định bởi số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi dài hay ngắn. Điều quan trọng là nội dung, cấu trúc đề thi được xây dựng phù hợp với khoảng thời gian đó, bảo đảm ma trận của đề thi theo quy định, học sinh ở mức độ nào thì đáp ứng mức độ đó, kết quả bài thi phản ánh đúng thực chất năng lực. 

Với góc độ là nhà giáo, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội TS.Nhà giáo Ưu tú Lê Ngọc Quang cho rằng, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên, nên việc ôn luyện của học sinh theo cấu trúc đã công bố chắc chắn không bị ảnh hưởng. Điều này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố rõ: Phạm vi đề thi vẫn giữ nguyên như đã công bố là gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, song không đưa vào các nội dung đã được giảm tải. Khi giảm thời gian làm bài, số lượng câu hỏi ở từng cấp độ trong đề thi cũng sẽ giảm tương ứng, song vẫn bảo đảm tính phân hóa để đáp ứng mục tiêu tuyển sinh, đồng thời bảo đảm thời gian phù hợp để học sinh làm bài chất lượng. 

Bên cạnh đó, việc xét tuyển cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch với số lượng rất nhỏ trong tổng số gần 100.000 học sinh dự thi cũng là phù hợp, bảo đảm tính nhân văn và công bằng. 

Tạo thuận lợi nhất cho học sinh 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương còn băn khoăn về phương án tuyển sinh lớp 10, thì sự điều chỉnh của thành phố Hà Nội nhận được sự đồng thuận của các nhà giáo, phụ huynh học sinh và học sinh. 

Cũng theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TS.Nhà giáo Ưu tú Lê Ngọc Quang, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu số một của kỳ thi là bảo đảm an toàn cho học sinh. Hà Nội đã có kinh nghiệm nhiều năm nay về việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 bảo đảm an toàn, chất lượng. Phương án điều chỉnh như hiện nay là hợp lý nhất. Bởi lẽ, nếu tổ chức thi theo hình thức trực tuyến thì chưa có các điều kiện để bảo đảm tính chính xác, khách quan; việc xét tuyển học bạ cũng chưa thực sự công bằng, phù hợp trong bối cảnh Hà Nội có số lượng học sinh nhiều, điều kiện và chất lượng dạy - học còn có sự khác biệt nhất định giữa các địa bàn. Việc lùi kỳ thi cũng chưa phải phương án khả thi trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường như hiện nay. 

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng (Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ, ngay sau khi có thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu, giáo viên đã động viên, hướng dẫn học sinh cách thức làm bài theo thời gian thi được điều chỉnh. Việc giảm thời gian làm bài cũng đồng nghĩa với kiến thức, yêu cầu trong bài thi sẽ giảm theo thời gian, song vẫn có câu hỏi từ dễ đến khó để phân loại, phục vụ cho việc tuyển sinh vào lớp 10.

“Sự lo lắng của học sinh, phụ huynh học sinh trước mỗi kỳ thi, nhất là với một kỳ thi quan trọng và có tính cạnh tranh cao như kỳ thi vào lớp 10 là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, về cơ bản, những điều chỉnh này không gây ảnh hưởng lớn đến học sinh, không khiến việc ôn luyện bị xáo trộn, mà hướng đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh - đó là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn gia đình cùng quan tâm, chăm sóc, nhắc nhở học sinh giữ gìn sức khỏe, cân bằng giữa thời gian học và giời gian nghỉ ngơi, ôn tập thật tốt kiến thức để bước vào kỳ thi sắp tới”, cô giáo Nguyễn Thị Phượng bày tỏ. 

Với góc độ là người mẹ, bà Cao Thị Thanh Thủy, phụ huynh học sinh Nguyễn Việt Anh (Trường Trung học cơ sở Bùi Quang Mại, huyện Đông Anh) cho biết: “Tôi ủng hộ phương án đã được phê duyệt, bởi tôi thấy những điều chỉnh đó đều tập trung hỗ trợ cho các con được an toàn nhất khi dịch đang phức tạp. Nếu bây giờ vẫn thi 3 buổi, thêm 1 buổi đến trường học quy chế, mỗi lần đến trường thi phải thực hiện rất nhiều thủ tục trong điều kiện nắng nóng, thử hỏi có bố, mẹ nào yên tâm? Do ảnh hưởng của dịch, các con đã có nhiều thiệt thòi khi việc học tập ở trường trong hai năm học lớp 8 và lớp 9 bị gián đoạn, nay được giảm áp lực khi số buổi phải đến trường thi ít hơn, thời gian làm bài thi từng môn và số câu hỏi trong đề thi cũng giảm - là điều cần thiết, tốt hơn cho các con. Chưa kể, việc bố trí 2 môn thi vào một buổi cũng giúp chúng tôi bớt nhấp nhổm khi vừa đưa con đến trường đã sắp đến giờ phải đón. Chúng tôi có thể di chuyển về nhà lo công việc, không tập trung trước cổng trường thi, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch". 

Trong khi đó, em Nguyễn Yến Ly, học sinh lớp 9E, Trường Trung học cơ sở Nhật Tân (quận Tây Hồ) bày tỏ: "Kế hoạch ôn tập của em không có xáo trộn gì, mà còn yên tâm hơn nhiều, bởi có thêm 2 ngày chuẩn bị, rà soát lại các nội dung và các vật dụng cần thiết phục vụ thi. Vì thi vào hai ngày cuối tuần nên bố em không phải xin nghỉ làm để đưa em đi thi. Em cũng tự tin, bớt lo lắng hơn vì chắc rằng, khi thời gian làm bài thi các môn giảm thì đề thi cũng nhẹ nhàng hơn. Việc vừa phải đeo khẩu trang, vừa làm bài thi là điều không dễ dàng, song em sẽ tuân thủ vì sự an toàn của bản thân và mọi người".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận cao vì giảm áp lực, tăng an toàn và sự công bằng, khách quan của kỳ thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.