(HNM) - Việc Ngân hàng Nhà nước thông báo từ ngày 11-6 chính thức bỏ trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài bằng việc để các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, hướng tới việc bỏ trần lãi suất huy động trong tương lai đã lập tức tạo nên một "làn sóng" nâng lãi suất mới.
Ngày 14-6, Ngân hàng Đông Nam Á, đã áp dụng biểu lãi suất mới với mức cao nhất 12%/năm, áp cho kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam nhanh chóng bổ sung sản phẩm "Tiền gửi lãi suất ưu đãi" với lãi suất từ 11% - 12%/năm áp cho các kỳ hạn dài (mức cao nhất trước đó chỉ là 9,5%/năm). Ngân hàng Phương Tây cũng lao vào cuộc "chạy đua" khi tăng lãi huy động kỳ hạn 13 tháng lên mức 14%...
Việc tăng lãi suất huy động như một phản ứng dây chuyền này, theo lý giải của một số ngân hàng, là họ không thể đứng ngoài cuộc, không thể không có giải pháp để giữ chân khách hàng. Cũng có cách lý giải khác, việc đẩy lãi suất lên có nguyên nhân do thời gian qua một số ngân hàng chỉ huy động được nguồn vốn ngắn hạn, do đó phải nâng lãi suất kỳ hạn dài để cân bằng… Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài lên nữa hay không? Không ai dám chắc, "đâm lao thì phải theo lao", chịu sự chi phối của thị trường nên cuộc đua lãi suất chỉ dừng khi các ngân hàng không còn đủ sức chịu đựng.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, do vậy, không khó lý giải khi họ lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhiều ngân hàng cùng hạng nâng lãi suất sẽ tạo ra "làn sóng" trên thị trường. Hệ lụy thế nào? Nếu các ngân hàng nhắm mắt lao vào "cuộc đua" mà không cân nhắc, tính toán xu hướng lãi suất trong tương lai để đưa ra mức lãi suất hợp lý, chắc chắn sẽ thua lỗ. Một vấn đề nữa, khi huy động ở mức cao mà không cho vay được cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải trả giá.
Sẽ rất nguy hiểm khi ngân hàng không biết với đua tranh lãi suất như vậy thì huy động vốn với giá bao nhiêu là hợp lý. Trong khi doanh nghiệp không biết phải vay với mức nào là thỏa đáng. Như vậy, có thể nói, tăng lãi suất không chỉ gây khó khăn cho ngân hàng trong điều kiện lãi suất huy động quá cao hiện nay mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ phải nâng theo và chắc chắn nhiều doanh nghiệp không thể chịu đựng. Hệ quả là bài toán "giải cứu doanh nghiệp" vẫn chưa có lời giải. Trong khi đó ngân hàng lại rơi vào vòng "xoáy" mới mà hệ lụy thế nào không ai lường hết. Chưa kể những tác động của "làn sóng" này tới nền kinh tế.
Theo một chuyên gia kinh tế, thả nổi lãi suất phải đi cùng điều kiện là chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Như vậy, tình trạng "đua" tăng lãi suất bằng mọi giá sẽ không còn đất sống. Và việc tăng "nóng" lãi suất của một số ngân hàng hiện nay có nguyên nhân từ việc điều tiết lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Nhận định này không phải không có lý. Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại. Loại bỏ các động thái có thể gây nguy hại cho toàn hệ thống là việc làm cấp bách đối với Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.