Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng suối hồi sinh giữa lòng Seoul

Theo Thu Hiền/VnExpress| 10/06/2016 10:27

Được khơi dòng ngay tại nơi từng là con đường cao tốc, suối Cheonggyecheon nay là điều hòa giải nhiệt cho Seoul, thành phố 25 triệu dân của Hàn Quốc.

Bé gái nghịch nước tại suối Cheonggyecheon ở trung tâm Seoul. Ảnh: Park Ji-Hwan


Theo Guardian, Cheonggyecheon vốn là một dòng suối cổ chảy qua thủ đô Seoul. Tới cuối thập niên 1950, với tư tưởng đẩy mạnh phát triển kinh tế, chính quyền thành phố Seoul chủ trương lấp suối phát triển hạ tầng, sau đó dựng cao tốc trên không Cheonggyecheon vào những năm 1970, một biểu tượng đầy tự hào của người dân Hàn Quốc cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Quyết tâm phá bỏ cả đường cao tốc để khơi lại dòng suối, thị trưởng Lee Myung-bak, người khởi xướng dự án cải tạo tham vọng, nhận được nhiều lời tán dương.

Trước khi bước chân vào chính trường, ông Lee từng có 30 năm làm việc và sau đó trở thành người điều hành Huyndai, công ty xây dựng gắn với các công trình gây nhiều tai tiếng môi trường và thẩm mỹ, bao gồm cả đường cao tốc Cheonggyecheon.

Kế hoạch phục hồi suối Cheonggyecheon với tổng đầu tư lên đến 900 triệu USD, không chỉ là công trình tạ lỗi với môi trường mà còn nhằm tạo dựng một thắng cảnh xanh hút khách cho Seoul.

Kinh phí khổng lồ đổ vào dự án là minh chứng cho quyết tâm của thị trưởng Lee và cuộc lột xác ngoạn mục biến Seoul trở thành một đô thị hiện đại đặt chất lượng sống lên hàng đầu.

"Cheonggyecheon là câu trả lời rõ ràng cho tranh luận gay gắt bàn xu hướng phát triển đô thị, giữa một bên định hướng hạ tầng thuận tiện cho ôtô và một bên thân thiện với người đi bộ", phó giáo sư Kim Youngmin, Văn phòng kiến trúc quy hoạch, đại học Seoul, cho biết trong một cuộc phỏng vấn nhân kỷ niệm 10 năm suối Cheonggyecheon mở cửa.

"Nhiều chuyên gia giao thông cảnh báo, phá hủy đường cao tốc có thể dẫn tới thảm họa giao thông nội đô. Những bên hữu quan lo sợ dự án làm giảm thu nhập cũng đứng ra phản đối tầm nhìn của thành phố", ông Youngmin nói thêm.

Dù vậy, không có khủng hoảng kéo dài như lo ngại. Việc cho ôtô lưu thông trong thành phố trở nên khó khăn hơn song người đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng lại hưởng nhiều lợi ích.

Ông Lee đắc cử thị trưởng Seoul năm 2001 với kế hoạch tái phát triển quy mô lớn, đỉnh cao là tái cơ cấu kinh tế, biến Seoul trở thành trung tâm du lịch và đầu tư của khu vực Đông Bắc Á, dỡ bỏ cao tốc trên cao ở nội thành, xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống xe buýt lưu thông nhanh, các dự án tái phát triển và khu dân cư trong lòng thủ đô.

Với quyền lực chính trị có được sau chiến thắng, thị trưởng Lee khẩn trương triển khai các dự án, đặc biệt là tái sinh dòng suối biểu tượng Cheonggyecheon nhanh nhất có thể bằng nhiệt huyết của người mang biệt danh "Xe ủi đất".

Công trình xanh vấp phải nhiều chỉ trích

Theo khảo sát của chính phủ Hàn Quốc, 79,1% cư dân ủng hộ kế hoạch của ông Lee, dù không ít chỉ trích đã lan truyền rất lâu trước ngày khởi công.

"Để thực hiện dự án, không chỉ có cao tốc trên cao bị phá hủy", Jon Dunbar, quan sát viên mảng đô thị Seoul từng nhận xét trên Korea Times.

Phiên chợ đồ cũ nhộn nhịp trong vùng giải tỏa là một điển hình. Sau nhiều thập kỷ, hoạt động này trở thành một thông lệ rất khó hủy bỏ.

"Nhiều người có cuộc sống phụ thuộc vào phiên chợ phản đối dự án khiến ông Lee phải ngồi vào bàn thương lượng. Để dời chợ ra khỏi khu Cheonggyecheon, Lee cho phép các chủ sạp chuyển tới sân vận động Dongdeamun gần đó và cam kết cải tạo nơi đây trở thành hội chợ đẳng cấp quốc tế", Dunbar cho hay.

Tuy nhiên, cam kết này không bao giờ được thực hiện. Hoạt động kinh doanh dần đi xuống và khi Lee chấm dứt nhiệm kỳ, sân vận động cũng đối diện nguy cơ bị phá bỏ trong khuôn khổ dự án Trung tâm thương mại hình tàu vũ trụ Zaha Hadid’s DDP của người kế nhiệm Oh Se-hoon.

Trung tâm thương mại Zaha Hadid’s DDP, thay thế cho sân vận động Dongdaemun. Ảnh: View Pictures


Không lâu trước khi Cheonggyecheon mở cửa, Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul bắt giam phó thị trưởng Yang Yoon-jae, cựu giáo sư đại học quốc gia Seoul, người đứng đầu dự án giai đoạn 2002-2004, với cáo buộc nhận hối lộ ít nhất 100.000 USD từ một chuyên viên thiết kế để thoát lỗi vi phạm hạn chế chiều cao trong khu vực.

Dù bị kết tội và chịu bản án 5 năm tù, ông Yang nhận được lệnh ân xá từ cựu thủ trưởng của mình là Lee Myung-bak, lúc này ở cương vị tổng thống và được chỉ định trở thành Chủ tịch hội đồng chính sách xây dựng.

Bên cạnh rắc rối chính trị và xã hội, dự án còn vấp phải những chỉ trích về môi trường. Dù được mệnh danh là một thành tựu xanh nhờ khả năng điều hòa nhiệt độ cho trung tâm Seoul và cải thiện đáng kể hệ sinh thái, dự án phải đối diện với những vấn đề bảo trì.

"Do các vấn đề về tảo, chi phí bảo trì suối Cheonggyecheon tăng thêm 30% mỗi năm", Eunseon Park, Viện nghiên cứu phát triển đô thị bền vững, đại học Yonsei, giám đốc nhóm hoạt động Listen to the City, viết năm 2010.

"Cheonggyecheon không phải một dòng suối tự nhiên được khôi phục có hệ thống, mà chỉ là con suối nhân tạo chảy theo dòng được khơi lại. Hơn nữa, lòng suối là xi măng hầu như không thể thực hiện chức năng lọc nước, đây là lý do khiến nước ngày càng bẩn", ông nói.

"Bất cứ ai nghĩ rằng Cheonggyyecheon đại diện cho sự hồi sinh của một hệ sinh thái hoàn chỉnh cần xem lại đầu óc", học giả Matt VanVolkenburg, người theo dõi sát dự án phát biểu vào năm 2005, thời điểm dự án hoàn thành.

"Thực chất, nó đại diện cho kế hoạch phát triển được cho là giúp thị trưởng trở thành một nhà chính trị xông xáo, nói được làm được, tạo dựng hình ảnh quan tâm tới môi trường của một ứng viên tổng thống trong quá trình hối hả san phẳng những giá trị văn hóa thực sự", ông bình luận.

"Thắng cảnh" của Seoul

Quan niệm cho rằng suối Cheonggyecheon ngày nay đại diện cho sự hồi sinh một thắng cảnh xưa, trước khi nhường chỗ cho đường cao tốc bắt nguồn từ hiểu nhầm của số đông. Thực chất, dòng suối bị lấp sau chiến tranh Triều Tiên không phải cảnh đẹp mà đóng vai trò con kênh thoát nước cho thành phố.

Nhà thám hiểm người Anh, bà Isabella Bird Bishop tới Seoul vào những năm 1890 đã nhận xét mỉa mai suối Cheonggyecheon là "thắng cảnh". Bà viết, đây là "ống dẫn nước rộng, bờ mở với dòng nước đen bốc mùi chảy qua lòng suối đầy rác rưởi và phân bón, nơi trước đây từng là đá cuội".

Dòng suối tái sinh giữa lòng Seoul là điều hòa xanh giảm nhiệt độ cho thành phố ngột ngạt. Ảnh: Jack Malipan


Cheonggyecheon tươi đẹp sau dự án của Lee Myung-bak đã thay thế hình ảnh dòng kênh bẩn và con đường cao tốc bê tông cứng nhắc ngày xưa. Tuy nhiên, điều này không làm lắng xuống những chỉ trích về nhiều phần của dự án, như bất thân thiện với người khuyết tật, các bức tượng điêu khắc Claes Oldenburg và Coosje van Bruggen trông như ốc sên tại nguồn suối, cùng sự thiếu tham khảo ý kiến người dân trong các giai đoạn dự án.

Dù vậy, con suối giữa lòng Seoul ngột ngạt là điểm dừng chân được mọi người ưa thích. Đây là điểm công cộng để các gia đình đưa con trẻ tới vui chơi, chốn hò hẹn của các cặp tình nhân, nơi nghỉ ngơi của dân văn phòng sau giờ làm việc hay sân khấu cho các nghệ sĩ đường phố thu hút nhiều khán giả.

"Tôi nghĩ Cheonggyecheon, như một phần của Seoul, dần được cải thiện qua thời gian", VanVolkenburg nói.

"Trước đây, quá trình xây dựng diễn ra quá vội vàng cũng như gây sai lệch và thiệt hại các giá trị văn hóa, con suối trông giả tạo. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, dòng suối đã trở thành một phần đời sống thường ngày tại trung tâm Seoul, thực hiện nhiều vai trò từ thu hút khách du lịch, công viên cho tới triển lãm nghệ thuật. Qua nhiều năm, cây cối hai bên bờ đã cao xanh và càng đi xa nguồn, con suối trông càng giống tự nhiên".

VanVolkenburg ví Cheonggyecheon như "trung tâm nổi bật trong nỗ lực kiến tạo thành phố của thế kỷ 21". Dòng suối hồi sinh trở thành biểu tượng hướng tới con người tại nơi từng được thế giới nhắc đến là xứ sở u ám, khắc nghiệt của các tòa nhà bê tông xám xịt, với nhịp độ xây dựng và phá hủy không ngừng cùng các thảm họa công trường.

Đây cũng là hình mẫu để khôi phục những dòng suối bị chôn vùi khác của thành phố, cũng như những dự án ở quốc gia khác như Los Angeles, Mỹ, với con sông nổi tiếng nằm dưới bê tông từ những năm 1930.

Xét về khía cạnh làm bệ phóng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Lee Myung-bak, Cheonggyecheon cũng phục vụ cho cả tham vọng chính trị.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, tờ New York Times bình luận: "Người được chọn là tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc tại cuộc bầu cử hôm thứ tư, chiến thắng phần lớn nhờ thành công của dự án mà ông hoàn thành với tư cách thị trưởng thủ đô... Dòng suối mới phục vụ như một công viên trung tâm, nhấn mạnh mục tiêu phát triển quốc gia với trọng tâm chất lượng cuộc sống và ngay lập tức biến thị trưởng thành một ứng viên tổng thống đầy triển vọng".

"Một người có thể chỉ trích các điểm tiêu cực song hiển nhiên công trình này là điều kỳ diệu của kiến trúc và đô thị hóa. Tuy nhiên, lý do tôi không bao giờ chấp nhận nó 100% chính là những tổn thất mà cư dân địa phương buộc phải gánh chịu", VanVolkenburg nói.

"Đối với tôi, việc tận hưởng DDP hay Cheonggyecheon mà không nhớ đến những thiệt hại về con người khi xây dựng những dự án hào nhoáng này là phi đạo đức".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng suối hồi sinh giữa lòng Seoul

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.