(NSHN) - Khi biết sông Tích nằm trong nhóm công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội được thực hiện bởi dự án "tiếp nước, cải tạo và đào mới lòng sông" với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, thì người dân khắp vùng xứ Đoài hoan hỉ, mừng thầm và từng ngày mong sông được hồi sinh.
(NSHN) - Khi biết sông Tích nằm trong nhóm công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội được thực hiện bởi dự án "tiếp nước, cải tạo và đào mới lòng sông" với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, thì người dân khắp vùng xứ Đoài hoan hỉ, mừng thầm và từng ngày mong sông được hồi sinh. Bởi với họ, sông Tích không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, cung cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ trong mùa mưa, mà còn mang ý nghĩa nhân văn, di sản…
Con sông truyền thuyết
Chảy từ lòng núi Tản, ngọn núi của truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, qua lớp lớp thời gian, sông Tích trở thành con sông huyền thoại, con sông nhân văn, con sông gắn liền với Đức Thánh Tản, một trong "tứ bất tử" của tâm linh người Việt. Đó là con đường Sơn Tinh trị thủy, khai sáng văn minh, mở mang bờ cõi. Sông chảy đến đâu, sử thi theo đến đó.
Ở nơi đầu nguồn của sông - dưới chân núi Ba Vì, giờ đây vẫn còn những cái tên như ghềnh Bợ, ao Vua, đồi Mòm, đầm Đượng, cầu Hang, Khoang Xanh... gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đã được dân gian giải thích bằng những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Chuyện Thánh Tản hóa thành lão nông kéo vó bên sông Tích, ăn gỏi cá ở đầm Bằng Tạ rồi cùng ông già ở làng Cẩm Đái (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì) đi săn muông thú. Chuyện Sơn Tinh quảy núi ngăn lũ lụt, cắm chông trà ở bãi Đá Chông, thả rào chăng lưới ở vùng suối Cái, rắc hạt mây để thành rừng U Bò ở Tản Lĩnh... chỉ nghe thôi đã có thể hình dung cuộc đấu tranh trị thủy của cha ông từ thuở hồng hoang.
Sông Tích là vết tích do đội quân của Sơn Tinh đánh đuổi Thủy Tinh mà thành. Con đường huyền thoại đó ghi dấu ấn của người anh hùng trị thủy, người có công dạy dân trồng lúa, trồng đay, dệt lụa, ca hát, hưởng thụ cuộc sống thái bình. Điều đó lý giải vì sao hầu hết các di tích lịch sử ở xứ Đoài đều thờ Đức Thánh Tản. Nhiều phong tục đẹp được lưu giữ, trong đó đặc sắc nhất là tục thi đánh cá thờ ở làng Me, xã Tích Giang (Phúc Thọ). Hằng năm, trên dòng sông Tích, hội thi đánh cá thờ diễn ra tưng bừng trong dịp hội làng (mở từ ngày mồng 2 đến mồng 10 tháng Hai âm lịch). Cá đánh bắt được trong hội thi đều đem chia cho tất cả mọi người để nhà nào cũng có tiệc cá, coi đó là lộc của Đức Thánh...
Con sông di sản
Bắt nguồn từ lòng núi Tản, sông Tích mang sử thi từ Ba Vì, xuôi Sơn Tây, về Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, trải khắp vùng đất bao la của xứ Đoài. Những điệu hát dân gian như hát ví, hát dô vùng ven sông Tích đều gắn liền với công truyền dạy của Đức Thánh Tản Viên.
Hát dô - hát thờ Đức Thánh Tản gắn liền với tục hèm tưởng chừng không thể vượt qua. Dân gian truyền rằng, một hôm Ngài chu du dọc miền sông Tích, thấy ruộng đất phì nhiêu bèn gọi dân làng đến dạy cách chọn hạt lúa to làm giống đem gieo xuống ruộng. Ngài lội ruộng làm trước cho mọi người theo. Xong rồi Ngài đi nơi khác, hẹn ngày lúa chín thì về. Nhưng đến mùa lúa chín, thóc gặt về đã đầy nhà, chờ mỏi mắt mà không thấy ân nhân. Đúng 36 năm sau, Ngài mới trở lại. Thấy dân làng giàu có, cảnh đẹp hữu tình, nghe trai gái đôi bờ sông Tích hát ghẹo nhau, tiếng hát trong trẻo, thanh âm kỳ lạ, Ngài bèn dừng lại rồi tập hợp trai gái, dạy họ múa hát, mừng cuộc sống thái bình và cho xây dựng Xuân Ca cung - đền Khánh Xuân. Trước khi đi, Ngài và dân làng giao kết với nhau rằng 36 năm mới mở hội hát dô một lần; nếu ai vi phạm sẽ gặp chuyện không may. Vì giao kết đó, thậm chí vì sợ lời nguyền mà người dân dọc sông Tích, vùng Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) không dám nhắc tới hát dô. Nếu không có một nghệ nhân, vì tình yêu và niềm đam mê với điệu hát cổ thì khúc ca thờ Đức Thánh Tản hẳn đã không còn. Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, xã Liệp Tuyết - người đã vượt qua những điều cấm kỵ, quyết tâm làm sống lại di sản độc đáo và đầy chất sử thi này.
Tôi còn nhớ, vào quãng những năm 1989- 1990, vì mong muốn khôi phục lại điệu hát dô mà bà Lan đã thuyết phục Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây (khi đó) và Phòng Văn hóa huyện Quốc Oai mở lớp truyền dạy. Và tôi được chứng kiến sự công phu cũng như nhiệt huyết của bà Lan, được cùng bà đến tận nhà các cụ cao niên trong các làng Đại Phu, Bái Nội, mời họ làm Cái hát, Con hát và dạy lại điệu hát cổ cho con cháu. Bà xăm xắn đi khắp thôn xóm, vận động người tham gia và vận động thành lập câu lạc bộ hát dô. Đến đâu bà cũng mang theo sổ để chép lại lời hát cổ qua tiếng hát của các cụ. 36 làn điệu hát dô đã được bà Lan sưu tầm, biên soạn thành "giáo án" để truyền nghề, giữ được di sản. Không chỉ đơn thuần gây dựng một phong trào văn nghệ quần chúng, mà lớn hơn là chính bà đã làm thay đổi quan niệm về một tập tục vốn đã thành niềm tin trong tâm thức người dân. Câu lạc bộ hát dô được thành lập, không phải chờ đợi 36 năm mới được hát, mà hằng năm mỗi độ xuân về, ngôi đền Khánh Xuân lại tưng bừng hội hát. Năm 2003, hát dô của Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận là "Địa chỉ văn nghệ dân gian" và bà Nguyễn Thị Lan được công nhận là Nghệ nhân dân gian, vì có công khôi phục, giữ gìn và phát huy di sản...
Để dòng sử thi chảy mãi
Dọc hai bờ sông Tích, từ Ba Vì xuôi xuống, có những địa chỉ đã trở thành dấu ấn và biểu tượng văn hóa - du lịch xứ Đoài: Đầu nguồn có Ao Vua, Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây... Cuối dòng sông - nơi hợp lưu với sông Bùi (thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ) có di tích quán Bến - thờ Lê Ngân, Đỗ Bí, Lý Triện, những danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Tốt Động - Chúc Động năm 1426 trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh xâm lược của dân tộc. Ở lưu vực của sông Tích còn có hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Xuân Khanh góp nước cho con sông huyền thoại và sử thi này bao nhiêu tài nguyên thủy sản, tắm tưới cho đồng ruộng phì nhiêu, cư dân sinh sống yên bình...
Vậy nhưng, con sông di sản đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nguồn nước thải sinh hoạt, rác thải, nước thải công nghiệp. Có đoạn, lòng sông hẹp lại, chỉ như một con mương nhỏ oằn oại và mệt mỏi trong ô nhiễm và trong sự vô tình của con người. Cách đây mươi mười lăm năm, ngày hội đánh cá thờ tưởng nhớ thần Tản Viên diễn ra tưng bừng, đôi bờ rực rỡ cờ hoa, rộn ràng trống mở; những đêm trăng thanh, trai gái hát giao duyên, tiếng cười đầy ắp dòng sông... Thì sự tiếc nuối là phải! Bao giờ lại được sống trong không gian văn hóa ấy?
Vậy mới thấy, Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục, đào mới lòng sông, tạo tuyến dẫn nước từ sông Đà vào sông Tích, làm sạch sông Đáy, cung cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ trong mùa mưa - công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011- 2015, được trông mong đến cỡ nào. Hơn 7.000 tỷ đồng cho một dự án để tạo ra sự thay đổi lớn trong lĩnh vực thủy lợi, cải tạo môi trường, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân khu vực hai bên bờ sông, có ý nghĩa lớn trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của 7 huyện, thị xã phía Tây thành phố Hà Nội, nhưng công trình "đại thủy lợi" thi công quá chậm trễ, kéo dài.
Nặng lòng với dòng sông di sản, tôi mong từng ngày, từng giờ sông Tích trở lại hình hài như từng có trong tiềm thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.