Các nhà phát triển khu công nghiệp tại Đông Nam Á đang gấp rút chuẩn bị hạ tầng và những điều kiện cần thiết nhằm đón làn sóng đầu tư mới từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, các nhà phát triển khu công nghiệp Đông Nam Á lúc này đang tích cực bổ sung nhân lực thành thạo tiếng Trung, đồng thời chuẩn bị đất đai cho các nhà máy mới.
Giám đốc điều hành Jareeporn Jarukornsakul của WHA, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp lớn nhất Thái Lan cho biết, đã nhận hàng loạt cuộc gọi từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ.
WHA đang tuyển dụng thêm người nói tiếng Trung vào các nhóm giám sát việc bảo trì và quản lý những khu công nghiệp trải dài hơn 12.000ha ở cả Thái Lan và Việt Nam.
Theo bà Jareeporn, Đông Nam Á từng đón một làn sóng đầu tư Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump, “nhưng vòng này sẽ căng thẳng hơn”.
Trong khi đó, theo AMATA (Thái Lan), trong số 90 nhà máy khai trương năm 2024 tại các khu công nghiệp của tập đoàn trên khắp Đông Nam Á, có 2/3 là của các công ty di dời cơ sở từ Trung Quốc. Thái Lan thời gian qua thu hút hơn 1,4 tỷ USD từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại nước này Pichai Naripthaphan kỳ vọng có thể nâng con số này lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khi đó, Malaysia, vừa qua đã thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư mới trong lĩnh vực bán dẫn bao gồm cả linh kiện ô tô, cũng đang tích cực tìm cách đón cơ hội mới.
"Sự thay đổi này có thể mang lại cho Malaysia nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường trọng điểm khác", Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai cho biết.
Tại Indonesia, Chery Automobile gấp rút triển khai kế hoạch biến đảo quốc Đông Nam Á thành trung tâm sản xuất lớn. Nhà máy liên doanh của hãng ở Pondok Ungu ở Bekasi (phía đông Jakarta) đã bắt đầu sản xuất các mẫu xe Tiggo và Omoda 5.
Lãnh đạo Chery Automobile cho biết, bên cạnh phục vụ thị trường bản địa, hãng cũng nhắm mục tiêu xuất khẩu ô tô sang các nước láng giềng, trong đó có Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Theo giới chuyên môn, làn sóng đầu tư mới của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chủ yếu để ứng phó những rủi ro tiềm tàng trong tương lai.
Ông Donald Trump, người vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, từng công bố kế hoạch áp mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức từ 7,5% đến 25% trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cùng với đó là việc hàng loạt quốc gia phương Tây vừa qua đã tăng mạnh thuế đối với xe điện Trung Quốc.
Một số phân tích cũng chỉ ra nguyên nhân nữa nằm ở xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề thuế quan châu Âu đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này khiến việc chuyển chuỗi sản xuất đến gần các khu vực tiêu thụ cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc tránh được rủi ro.
Trong khi đó, Đông Nam Á - với các nhà máy ô tô và linh kiện điện tử trải dài từ Thái Lan đến Việt Nam và Malaysia, không chỉ thuận lợi nhờ vị trí địa lý, chính sách thu hút đầu tư nhiều ưu đãi, nhất là đối với sản xuất ô tô "xanh", mà còn bởi nằm gần các thị trường thu nhập cao, có nhiều quốc gia sở hữu hiệp định thương mại tự do rộng khắp. Đông Nam Á cũng là thị trường tiêu dùng lớn, với dân số trẻ có xu hướng ưa chuộng sản phẩm mới, thân thiện môi trường như ô tô điện.
Những điều kiện trên cũng đồng nghĩa, việc đặt hạ tầng sản xuất tại Đông Nam Á đem tới “lợi đơn, lợi kép” cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Ngoài Đông Nam Á, châu Phi cũng được nhận định là nơi sẽ đón hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô Trung Quốc tới đây. Các nước khu vực này không chỉ đang tích cực chào đón làn sóng thương mại mà còn mong muốn phát triển chuỗi công nghiệp xe điện địa phương. Lượng xe năng lượng mới nhập khẩu từ Trung Quốc tới khu vực này đã tăng 291% trong năm 2023 so với năm trước đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.