(HNM) - Trong khi tỉnh Đồng Nai đang… bí trong việc tìm ra một phương cách giải quyết hợp lý việc người dân đòi Công ty Vedan bồi thường thiệt hại thì hôm qua (23-8) các ban, ngành của tỉnh này lại tiếp tục tổ chức họp… kín để bàn về nội dung phiếu lấy ý kiến người dân về việc đồng ý số tiền bồi thường gần 120 tỷ đồng hay khởi kiện Vedan ra tòa!
Phiếu lấy ý kiến…một chiều!
Cuộc họp do Hội Nông dân (HND) tỉnh chủ trì, cùng sự tham gia của các sở Tư pháp, TN&MT, NN&PTNT, lãnh đạo UBND và HND hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Sau cuộc họp, ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch HND Đồng Nai được cử ra tiếp xúc với báo chí. Ông Quang cho biết, cuộc họp nhằm hoàn thiện phiếu lấy ý kiến bà con nông dân về việc đồng ý nhận tiền bồi thường thiệt hại của Vedan hay khởi kiện Vedan ra tòa và tổ chức việc lấy ý kiến trong thời gian tới. Phiếu lấy ý kiến sẽ gồm 4 câu hỏi: người dân đồng ý hay không đồng ý số tiền bồi thường gần 120 tỷ đồng của Vedan; người dân đã nộp đơn lên tòa án có đồng ý rút đơn hay không; có đồng ý ủy quyền cử đại diện tiếp tục làm việc với Vedan hay không; và khi ủy quyền, phiếu lấy ý kiến "cho phép" được ủy quyền cho hai nơi là HND tỉnh hoặc HND huyện. Phiếu lấy ý kiến cũng có mục "Ý kiến khác" và đề nghị người dân ghi cụ thể yêu cầu của mình (nếu có) vào mục này.
Trả lời về lý do chỉ giới hạn cho người dân được ủy quyền cho HND tỉnh và huyện mà không để người dân tự chọn, hoặc chọn các luật sư để bảo đảm chặt chẽ các thủ tục pháp lý như Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã làm, ông Quang cho biết cuộc họp đã xác định người bị thiệt hại là nông dân nên người được ủy quyền đại diện là HND thì hợp lý hơn!
Một vấn đề được các báo thắc mắc là phiếu xin ý kiến chỉ có một chiều, theo hướng là người dân đã đồng thuận chấp nhận số tiền bồi thường. Bởi các mục trong phiếu không hề đặt ra các tình huống nếu người dân không nhận tiền mà sẽ khởi kiện thì sẽ hỗ trợ như thế nào. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, phiếu lấy ý kiến rất khách quan, vì sẽ được phát cho tất cả các hộ dân bị thiệt hại. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 5.000 hộ dân được phát phiếu. Ông Quang cũng cho biết, UBND hai huyện sẽ cùng UBND bốn xã bị thiệt hại xác định đúng số hộ có thiệt hại để phát phiếu, nhằm bảo đảm sự công bằng. Ngày hôm nay, các phiếu lấy ý kiến sẽ được đưa xuống huyện, xã để phát cho bà con. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sẽ hoàn tất trong tháng 8.
Phương án dự phòng là... tiếp tục xin ý kiến!
Điều kiện để Vedan đền bù gần 120 tỷ đồng là UBND tỉnh Đồng Nai phải bảo đảm không phát sinh đơn kiện nào lên tòa án. Hiện tỉnh này cũng đã chỉ đạo nên vận động người dân chấp nhận số tiền đền bù. Tuy nhiên, một điều rất dễ nhận thấy là để đạt được sự đồng thuận 100% của hơn 5.000 hộ dân là điều không dễ. Ông Quang cũng thừa nhận, việc đồng thuận hoàn toàn là rất khó. Vậy mà, với một bộ máy ban, ngành và một buổi chiều bàn luận, phiếu lấy ý kiến vẫn "chủ quan" đến mức chỉ thiên theo hướng nhận bồi thường hay khởi kiện chứ không đặt ra một trường hợp dự phòng nào khác. Và để xử lý trường hợp này, ông Quang cho biết là sẽ... xin ý kiến chỉ đạo! Cũng theo ông Quang, nếu chỉ có một số ít dân khởi kiện thì các cơ quan pháp luật sẽ tư vấn cho tỉnh và... tính tiếp!
Cũng liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại của người dân Đồng Nai, Sở TN&MT tỉnh này đã có báo cáo chính thức về cuộc họp ngày 20-8, bàn về các phương án chi trả bồi thường số tiền gần 120 tỷ đồng cho người dân. Theo đó căn cứ bồi thường thiệt hại kinh tế của từng huyện, xã sẽ theo tính toán của Viện Môi trường và Tài nguyên. Theo đó, huyện Nhơn Trạch được bồi thường gần 88,9 tỷ đồng và huyện Long Thành hơn 30,7 tỷ đồng. Các hộ thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch không thường trú trong bốn xã Long Thọ, Phước An, Phước Thái, Long Phước nhưng có hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong phạm vi các xã này thì vẫn thuộc diện được đền bù thiệt hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.