Viện Kiểm sát nhân dân các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã phê chuẩn quyết định khởi tố 3 vụ án xảy ra tại các địa phương trên, để điều tra về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng và hủy hoại tài sản, cố ý gây hư hỏng tài sản của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Chiều tối cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa cũng đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với 6 đối tượng để điều tra về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Hoàng Văn Thu; Ngô Văn Mừng; Huỳnh Chí Tâm; Phạm Văn Lân; Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn Hiền.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định 6 bị can trên có hành vi gây rối trật tự công cộng tại khu công nghiệp Tam Phước, đóng trên địa bàn thành phố Biên Hòa vào tối 13/5. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Qua sàng lọc, điều tra của cơ quan công an, trong số hàng trăm đối tượng bị lực lượng chức năng Đồng Nai tạm giữ, có rất nhiều đối tượng sống lang thang, không có việc làm, lợi dụng vụ việc phản đối, tuần hành của lực lượng công nhân đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, để kích động, xúi giục và hủy hoại tài sản của doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện nay, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ 224 đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, trong các ngày 13, 14 và 15/5, cơ quan an ninh Đồng Nai đã bắt giữ 302 đối tượng kích động, gây rối và tham gia đập phá, hủy hoại tài sản tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đã hoạt động trở lại
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ngày 15/5, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã hoạt động bình thường trở lại.
Trước đó, ngày 14/5, 100% (gần 400 doanh nghiệp) công ty Trung Quốc, Đài Loan đóng chân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt tạm ngừng hoạt động, cho công nhân tạm thời nghỉ việc.
Bà Huang Chin Yun, Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Tập đoàn Ốc vít Lâm Viễn (100% vốn Đài Loan, đóng chân tại Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết: Theo thông tin tôi nắm được, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế. Là người đã và đang sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, tôi có nhiều mối quan hệ công việc, bạn bè ở đây. Tôi thấy công nhân người Việt làm việc trong công ty của chúng tôi rất chăm chỉ, hòa nhã. Tôi ủng hộ người Việt trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Ngày 14/5, chúng tôi tạm ngừng sản xuất, sang ngày 15/5, thấy mọi thứ đã bình thường, chúng tôi quyết định cho công nhân đi làm trở lại.
Ông Chung Lien Shun, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Tuico (100% vốn Đài Loan, Khu công nghiệp Hố Nai 3) chia sẻ: Do bất đồng về ngôn ngữ nên trong công việc người Đài Loan và công nhân Việt Nam chưa thật sự hiểu nhau, sự bất bình của một số công nhân với giới chủ là không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ, có một số ít công nhân lợi dụng tình hình hiện nay để gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tôi ủng hộ tình cảm mà công nhân dành cho đất nước, biển đảo, nhưng mong toàn thể công nhân hãy thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn; chung sức cùng lãnh đạo bảo vệ doanh nghiệp, điều này cũng là để bảo vệ việc làm, quyền lợi của chính các bạn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào chiều 15/5, tại Khu công nghiệp Hố Nai 3, một số doanh nghiệp có vốn Đài Loan như: Công ty TNHH Ốc vít Lâm Viễn, Công ty CQS, Công ty cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam... đã hoạt động trở lại.
Ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom khẳng định: Ngày 14/5, 198 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (có công đoàn cơ sở) tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom đã tạm thời cho công nhân nghỉ làm.
Ngày 15/5, đã có 1/3 số doanh nghiệp trên hoạt động bình thường trở lại. Đây là một tín hiệu rất tích cực, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành, đã tuyên truyền cho công nhân về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; không để kẻ xấu kích động làm bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 15/5, Sở đã làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh để nắm tình hình, ổn định sản xuất. Ngày 16/5, tỉnh Đồng Nai sẽ cử 7 tổ công tác về các khu công nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động công nhân trở lại làm việc, bảo đảm quyền lợi cho công nhân./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.