(HNM) - Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, phát triển văn hóa - xây dựng con người được Đảng ta đặc biệt chú ý. Nhờ đó, các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu này là tiền đề vững chắc cho nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, với định hướng: Văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Kết quả đáng tự hào
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ ra: Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy... Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại cho văn hóa, lối sống con người được chú trọng...
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa và con người Việt Nam được hoàn thiện, đã tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân; việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực... cũng tạo đà cho nhiều chuẩn mực văn hóa đạo đức mới được hình thành, lan tỏa.
Góp vào thành tựu chung của đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Hà Nội 5 năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, với việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, môi trường văn hóa từ công sở tới nơi công cộng, từ gia đình đến ngoài xã hội trên địa bàn thành phố đã từng bước được định hình rõ nét. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, trung bình mỗi năm có khoảng 60,5% làng, 85% gia đình và 71% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh thành tựu, không thể phủ nhận, lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người vẫn còn những tồn tại nhất định. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh
Để tiếp tục phát huy thành tựu, đồng thời khắc phục những tồn tại, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước".
Với các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ngành Văn hóa đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trong thời gian tới, như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trong khi đó, tại Hà Nội, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, kế hoạch gồm nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, từ đó quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.