(HNM) - Ngày 6-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Nghị quyết đã tạo cơ hội huy động tối đa sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển Thủ đô lên tầm vóc mới.
Đầu Xuân Nhâm Thìn, phóng viên Hànộimới có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về tầm quan trọng của Nghị quyết và những công việc trọng tâm cần triển khai.
- Ngày 15-12-2000, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010”. Vì sao đã có một nghị quyết chuyên đề về Thủ đô như vậy mà Bộ Chính trị lại vừa ban hành Nghị quyết 11- NQ/TƯ? Tại sao quy hoạch phát triển Thủ đô lại tính theo chặng thập kỷ, thưa đồng chí?
- Có quyết định mang tính lịch sử ngàn năm. Cũng cần có những quyết sách cho mỗi lộ trình vận hành theo thực tiễn của đất nước và thời cuộc toàn cầu đặt trong chiến lược phát triển của thành phố (TP) hơn 1000 tuổi. Nghị quyết (NQ) số 15-NQ/TƯ được ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hơn 10 năm qua, có hai cột mốc rất quan trọng: Từ ngày 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính; năm 2010 cùng với cả nước, Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là điều kiện mới, triển vọng căn bản, cơ hội lịch sử để đưa công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô lên một tầm vóc mới.
Trong 10 năm tới, Thủ đô cần có sự bứt phá. Vì thế, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chính là trao động lực lớn để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa bằng cảm hứng mới, sinh lực mới.
- Đồng chí có thể nói rõ hơn về tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị về NQ này?
- Nghị quyết 11-NQ/TƯ khẳng định, sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém xuất phát từ các nguyên nhân do việc thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị còn chậm; cơ chế, chính sách có liên quan đến Hà Nội thiếu đồng bộ, nhiều mặt chưa phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, nhiệm vụ của Thủ đô… Về chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của TP trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu năng động, quyết liệt; sự phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trung ương với TP còn vướng mắc.
Để khắc phục, Nghị quyết 11-NQ/TƯ nêu rõ, trong 10 năm tới, chúng ta phải huy động tối đa tiềm lực tổng hợp cả về vật chất, tinh thần của Thủ đô cùng cả nước xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm (TT) chính trị - hành chính quốc gia, TT lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, TT của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tư tưởng chỉ đạo lần này của Bộ Chính trị không chỉ quyết tâm khắc phục cho được hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, cản trở mà còn vận dụng, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến, sức bật mới trong mối quan hệ gắn kết hữu cơ “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
- Những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 11-NQ/TƯ mà chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ?
- Về nhiệm vụ, cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Bộ Chính trị xác định toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm triển khai trước hết là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, cũng là của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở trung ương và các địa phương trong cả nước.
Về trách nhiệm cụ thể, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong lãnh đạo và chỉ đạo quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện, tới các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cụ thể. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trung ương vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, người lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của TP, tham gia, đóng góp cho Thủ đô. Các tỉnh, TP khác, phải có trách nhiệm cùng Hà Nội tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương.
Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội phải phát huy tốt vai trò chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, ban hành các văn bản hướng dẫn, các cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện NQ. Hoàn thành hiệu quả kế hoạch và nhiệm vụ phát triển hằng năm, các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết và hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước, với các đối tác nước ngoài.
- Hà Nội là đô thị lớn nhưng lại có tới gần 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn. Hiện thực này có “mâu thuẫn” gì khi xây dựng, duy trì hình ảnh một TP văn hiến lâu đời?
- Tỉnh Hà Nội có từ năm 1831, là một đô thành trải qua nhiều biến động và thử thách của thời vận lịch sử. Văn hiến Thăng Long là hợp lưu tinh hoa trăm miền. Những phường nghề của dân tứ xứ hội thành Kẻ Chợ Kinh kỳ. Nông thôn không chỉ có canh tác, mà còn gồm nhiều làng nghề truyền thống. Hà Nội hôm nay có 401 xã ngoại thành với gần 4 triệu dân (chiếm 62% dân số TP), diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 192 ngàn ha (chiếm 57,6% đất tự nhiên TP). Nếu tính tỷ lệ theo cách thông thường, chẳng lẽ Thủ đô chủ yếu là nông thôn và nông dân? Không, TP đã đầu tư cho khu vực ngoại thành có nhiều giải pháp đồng bộ phát triển cả đô thị và nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí vào 2020. Phát triển bền vững là con đường Hà Nội chọn theo xu hướng ưu việt của thế giới.
- Lâu nay, nông thôn thường bị xem là thua kém, chênh lệch so với TP. Vậy nông thôn Thủ đô thì sao, thưa đồng chí?
- Khoảng cách giữa đô thị và nông thôn là sự thật khó cưỡng ngay cả với các quốc gia hùng mạnh. Hà Nội chú trọng các loại hình dịch vụ có chất lượng, các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao sản xuất, trồng trọt sinh thái. Nông thôn Hà Nội là nông thôn đô thị. Nông dân Hà Nội hay từ các vùng khác đến, đều phải tự nâng mình lên, cho xứng đáng với Hà Nội từ công việc, sản phẩm nhỏ nhất. Vườn rau sạch, luống hoa tươi cũng phải là chất lượng cao mang thương hiệu nông thôn Hà Nội. Nông thôn không thể là đô thị. Cần nhắc lại, trước khi người Pháp đến, Hà Nội như cái làng lớn, chia khoanh từng phường hội, không có khái niệm hạ tầng. Chính người Pháp quy hoạch Hà Nội bằng cách “cấy” các yếu tố của đô thị hiện đại: làm đường, tạo phố, hệ thống thoát nước, giữ không gian lịch sử phường nghề... Ngày nay, xây dựng NTM cho Hà Nội chính là xây dựng nông thôn đô thị, tạo tập quán mới trong kiến trúc, giao thông, sinh thái, môi trường, nếp sống… theo cách quản lý đô thị. Nông thôn rộng lớn của Thủ đô sẽ đổi mới mà không làm sai khác, ảnh hưởng tới ánh sáng trầm sâu hào hoa của địa linh đô hội.
- Vậy là Hà Nội mở rộng sẽ thăng hoa bằng “hai cánh” đô thị và nông thôn?
- Đúng vậy. NQ 11 cho TP ta vận hội vượt lên tầm mức lớn, với yêu cầu cao hơn. Hà Nội là TP hàng đầu về văn hóa, giữ vị trí trung tâm KHCN, tiến lên bằng kinh tế trí thức. Hà Nội có nội lực vô giá: tài nguyên con người. Các trí thức, nhà văn hóa, khoa học, nghệ sĩ tập trung nhiều nhất ở Thủ đô là vốn quý, tài sản quốc gia của một sức mạnh, niềm kiêu hãnh truyền đời.
- Xin đồng chí cho biết văn hóa giữ vai trò thế nào trong chiến lược phát triển Thủ đô?
- Trong bề dày trầm tích ngàn năm, Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, sàng lọc những tinh hoa văn hóa của các miền. Vì thế, văn hóa luôn là niềm tự hào, là cốt cách, là giá trị của mọi giá trị vững bền của Thủ đô. Lịch sử đã như vậy, và tương lai càng như vậy. Cùng với phát triển kinh tế, chúng ta đặc biệt quan tâm tới việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội, chăm lo vun đắp, xây dựng nếp sống tinh thần của xã hội mới. Làm sao để những giá trị văn hiến của đất Kinh kỳ, cốt cách khí phách sâu sắc, lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục duy trì, biến thành hành động, nếp sống nêu gương cho cả nước. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội phải luôn ý thức sâu sắc được niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”. Từ đó từng giờ, từng ngày bảo tồn các công trình cổ, kế thừa sống động các vẻ đẹp tinh thần của tiền nhân bằng chính việc làm, hành động đẹp.
Người Hà Nội đích thực phải sống với tinh thần Thăng Long - Hà Nội. Đó trước hết phải là những người tử tế, có tư tưởng và biết làm giàu tâm hồn mình.
- Chúng ta cần làm gì để những nội dung của NQ 11 này sớm tỏa vào cuộc sống?
- Đồng chí Phạm Quang Nghị, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung quan trọng của NQ. Tổ chức học tập, phổ biến nội dung NQ tới toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Mỗi cấp ủy đảng, mỗi cơ quan, đơn vị - tùy theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm thực tế của mình - phải chủ động cụ thể hóa, gắn liền với thực hiện NQ Đại hội Đảng các cấp, nhất là gắn với 9 chương trình công tác giai đoạn 2011- 2015 của Thành ủy, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, để khắc phục kịp thời khó khăn, nhân rộng điển hình.
Thời gian tới, chúng ta sẽ có thêm Luật Thủ đô và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và phân cấp cho chính quyền Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô.
- Với tư cách một nhà báo, nhà chính luận, cũng là công dân gắn bó 33 năm với Hà Nội, đồng chí mong muốn gì cho TP của chúng ta?
- Hà Nội với tôi đã thành một tình yêu nguyên ủy. Tôi tự hào được sống trong TP cổ tác tạo bởi những tinh hoa, mà nhiều trí thức, nhân sĩ, nghệ sĩ Thủ đô là tiêu biểu, tài sản quốc gia. Trong sự nâng niu hãnh diện nền tảng ấy, tôi lại nhớ “vùng lõi” không gian - long mạch thiêng - trung tâm Hà Nội với những sự biến động vĩ đại. Chỉ một phường Hàng Đào đã chứng kiến, lưu giữ bao điều. Đó là ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cư ngụ, viết Tuyên ngôn Độc lập. Cũng phố này, nhà số 4 là nơi cư ngụ của cụ Cử Lương Văn Can và nhà số 10 là nơi mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Ngôi trường vẫn còn đó - biểu chứng của cái nôi cuộc đổi mới đầu thế kỷ XX. Nghĩa khí Đông Kinh Nghĩa Thục, của Thần Siêu Thánh Quát tiếp tục lan trong khí thế, khát vọng đổi mới của chúng ta. Tinh thần ấy vẫn được kế truyền suốt công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 1/4 thế kỷ qua. Tôi tin rằng, những người yêu Hà Nội, không chỉ là những người đang sống nơi đây; khắp nước và hết thảy những người mang dòng máu Việt, tình yêu nước Việt cả ở nước ngoài sẽ đón nhận và thể hiện hành động đồng thuận tâm huyết thiết tha với Thủ đô bằng cảm hứng mới, sinh lực mới. Tôi tin NQ 11 là nguồn năng lượng mới cho tinh thần Thăng Long hôm nay, tinh thần đất thiêng nhân kiệt dồi dào tài nguyên văn hóa luôn tiên phong, khai sáng bằng sức mạnh đột khởi hiển hiện qua nhiều thử thách. Hơn hết, Hà Nội muốn xây dựng một chính quyền đô thị, với lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng, bản lĩnh thời đại, để trân quý tài nguyên văn hóa, để Thăng Long luôn là chủ lưu ánh sáng trong dòng lịch sử Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.