(HNM) - Trong 12 năm kể từ ngày thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, cùng với những thời cơ, thuận lợi, Hà Nội phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhưng với bản lĩnh của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Anh hùng, Hà Nội chủ động biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực để vươn đến thành công.
Bản lĩnh của đầu tàu
Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chính thức hợp nhất với thành phố Hà Nội, xác lập một tầm vóc mới của Thủ đô có diện tích hơn 3.300km2 và số dân 6,2 triệu người.
Với không gian trải rộng, Hà Nội có nhiều thời cơ, vận hội phát triển, nhưng khó khăn, thách thức cũng luôn đan xen. Bộ máy tổ chức quản lý còn cồng kềnh, phải thực hiện khối lượng công việc đồ sộ.
Thế nhưng, nhìn lại 12 năm, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Để rồi, vóc dáng Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại hơn nhờ hàng loạt dự án giao thông, khu đô thị mới hình thành, cùng kết quả xây dựng nông thôn mới với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng đầu cả nước: 355/382 xã (chiếm 92,9% số xã)...
Người dân đã ghi nhận rõ sự đổi thay của Hà Nội trong 12 năm qua. Ông Tấn Văn An (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) chia sẻ: “Nhờ được thành phố đầu tư, bộ mặt xã Yên Trung khang trang hơn hẳn so với 12 năm trước. Hầu hết các hộ dân trong xã, trong đó có gia đình tôi, không phải lo lắng cái ăn như trước”.
Tương tự, ở nơi có 7 xã miền núi và thuộc diện nghèo nhất thành phố khi hợp nhất - huyện Ba Vì cũng đã “thay da đổi thịt”, một phần nhờ khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng phát triển giao thông trên địa bàn. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết, so với năm 2008, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở Ba Vì đã tăng gấp hơn 5 lần, đạt 53 triệu đồng/năm.
Trên bình diện chung, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội hiện đạt khoảng 1,06 triệu tỷ đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với năm 2008. GRDP bình quân đầu người đến nay đạt 5.420 USD/năm, cao gấp hơn 3,1 lần năm 2008 (1.697 USD). Thành phố đang đóng góp khoảng 16,7% GDP và gần 19% tổng thu ngân sách toàn quốc trong khi chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số cả nước.
Trong gian khó, Hà Nội đã cho thấy sức chịu đựng bền bỉ mà đợt dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020 là minh chứng. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội còn tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp. Sau khi hoàn thành đại hội cấp cơ sở, tính đến hôm nay (1-8), 34/50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tiếp tục vươn tới đích
Từ mốc kỷ niệm 12 năm Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính nhìn về tương lai dễ thấy khó khăn, thách thức đặt ra với Thủ đô không hề nhỏ. Ngay trong thời điểm này, dịch Covid-19 đang đe dọa bùng phát trở lại.
Trong khi đó, xác định rõ trách nhiệm của một trong hai đầu tàu vực dậy kinh tế cả nước, Hà Nội đã quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; hoàn thành dự toán thu ngân sách 285.000 tỷ đồng...
Để đạt mục tiêu đầy thách thức này, thành phố sẽ tập trung cụ thể hóa kết quả hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, từng bước đưa 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng được trao giấy chứng nhận đầu tư đi vào thực hiện...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Thành phố sẽ chỉ đạo, điều hành theo tinh thần khai thác triệt để các nguồn lực của mỗi quận, huyện, thị xã với phương châm “góp gió thành bão” để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020”. Trong khó khăn chung, nhiều địa phương cũng đã quyết tâm đóng góp tối đa vào kết quả chung toàn thành phố… Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng, Đảng bộ huyện xác định phải hành động, đổi mới và sáng tạo hơn nữa để phát triển.
Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ hàng đầu của Hà Nội là thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung chuẩn bị tốt nhất với quyết tâm tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; xác định mục tiêu, tầm nhìn chính xác làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí, vai trò trái tim của cả nước trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới.
Với những thành công ấn tượng sau 12 năm điều chỉnh địa giới hành chính cùng bản lĩnh không bao giờ lùi bước được tôi luyện qua những gian khó, chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.