Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực để TP Hồ Chí Minh "cất cánh"

Nguyễn Lê| 12/05/2017 07:02

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, TP Hồ Chí Minh rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực cho thành phố

Cần cơ chế đặc thù về tài chính

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn theo đuổi và liên tục kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực cho thành phố phát triển. Trong đó, nội dung được các cấp lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm là cơ chế, chính sách về tài chính và ngân sách.

TP Hồ Chí Minh rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển mới.


Là người có nhiều năm nghiên cứu về mô hình đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lý giải, theo tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh chỉ được giữ lại 18%. Với sự phát triển như hiện nay thì nguồn lực này là quá thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cho đầu tư của thành phố. Chưa kể thành phố khi vay vốn cũng chịu giới hạn của Luật Ngân sách nhà nước bằng 60% tổng ngân sách của địa phương, nên cũng không có khả năng huy động vốn nhiều. Bố trí ngân sách đầu tư của thành phố chỉ đáp ứng 20-30% tổng nhu cầu đầu tư hằng năm. Rõ ràng, điều này không thể giải quyết bài toán phát triển. Chính vì vậy, đề xuất cần có cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách cho TP Hồ Chí Minh là phù hợp để tháo gỡ những khó khăn cho thành phố trong quá trình phát triển.

Hiện nay, theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Phí và Lệ phí, TP Hồ Chí Minh không có quyền đặt ra các khoản thu, khoản chi. Đây cũng là một nút thắt cần tháo gỡ. Theo TS Trần Du Lịch, vấn đề quan trọng nhất của TP Hồ Chí Minh không phải là "xin" Trung ương cho thêm hay bớt về ngân sách, mà là có cơ chế để thành phố được quyền huy động nguồn lực, từ đó có thể tự tạo ra nguồn thu cho mình một cách chủ động hơn. Đồng thời, đó cũng là cách giúp thành phố tự chủ về ngân sách, cũng như quyết định các khoản thu, khoản chi cho địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển.

Bước đầu tháo gỡ những nút thắt

Ngày 24-4-2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP (Nghị định 48) quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh, trong đó quy định huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển thành phố. Theo Nghị định này, Chính phủ ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội để thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Cụ thể, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP Hồ Chí Minh quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND thành phố lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP Hồ Chí Minh để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.

Theo các chuyên gia, Nghị định 48 đã tạo ra cơ chế rõ ràng hơn để đáp ứng nhu cầu cao về nguồn vốn cho đầu tư phát triển của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, còn nhiều đề xuất mà thành phố kiên trì kiến nghị vẫn chưa được chấp thuận. Đơn cử, việc phân cấp nguồn thu, thành phố vẫn phải tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đề xuất thời gian ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và thành phố là hai thời kỳ ổn định ngân sách - tức 10 năm theo Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định 48 chỉ quy định thời gian ổn định này trong vòng 5 năm.

Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, so với những gì mà thành phố đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù thì Nghị định trên chưa đáp ứng trọn vẹn như mong đợi. Chưa kể, nguồn vốn cấp này có kịp thời hay không mới là điều quan trọng. Các cơ chế đặc thù cho thành phố muốn phát huy tác dụng cần phải được sự quan tâm đặc biệt từ trung ương, cũng như sự phối hợp đồng bộ từ phía các bộ, ngành và địa phương. Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trước nhu cầu thực tế phát triển, thành phố sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các dự án. Trong trường hợp cần thiết, thành phố sẽ xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực để TP Hồ Chí Minh "cất cánh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.