(HNM) - Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ Hà Nội cùng cả nước trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế...
Quán triệt tư tưởng đổi mới của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Nội xác định: Vừa đẩy mạnh CNH - HĐH, mở rộng đầu tư và hợp tác quốc tế, đồng thời quán triệt quan điểm dân chủ hóa xã hội, tạo điều kiện phát huy dân chủ, khai thác tiềm năng to lớn của nhân dân Thủ đô, coi đó là động lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thường xuyên, liên tục, có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị. Thi đua đã thực sự trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời góp phần giải quyết những khâu yếu, việc khó, những bức xúc ở nhiều cấp, nhiều ngành của thành phố.
Hà Nội tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi khởi đầu nhiều phong trào thi đua tiêu biểu của cả nước. Ảnh: Huy Hùng |
Trên lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng - điện tử viễn thông thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao như: Điện tử, tin học - viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và vật liệu mới. Ngành xây dựng đạt giá trị tăng thêm bình quân hằng năm trên 10%. Dẫn đầu phong trào thi đua trong lĩnh vực này là Tổng Công ty Hạ tầng và đô thị, Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị, Công ty Điện tử Hà Nội…
Thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XIV và Chương trình 02 của Thành ủy khóa XV về phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới, nông dân Hà Nội hăng hái thi đua "Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chỉnh trang đường làng ngõ xóm… Nhiều mô hình có tính sáng tạo và mang lại hiệu quả rõ rệt như mô hình "Đàn bò vì người nghèo" của huyện Ba Vì, "Mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hóa" của huyện Gia Lâm, "Cam Canh, bưởi Diễn" của huyện Từ Liêm… Ngành thương mại - dịch vụ thi đua cải tiến lề lối làm việc, phục vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng phục vụ khách trong và ngoài nước.
Trong quản lý và phát triển đô thị, phong trào "Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp", "Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu"… đã góp phần chỉnh trang, giữ gìn bộ mặt đô thị Hà Nội. Cán bộ, chiến sỹ công an Hà Nội đẩy mạnh phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", lực lượng vũ trang lập nhiều thành tích học tập, rèn luyện, hưởng ứng phong trào "Thi đua quyết thắng". Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, đẩy mạnh. Giáo dục đào tạo, văn hóa thông tin, y tế, thể dục thể thao… đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời giảm bớt tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hưởng ứng nhiệt thành, tham gia tích cực với nhiều hình thức sáng tạo và đạt kết quả tốt đẹp. Các hình thức tuyên truyền, cổ động bằng khẩu hiệu, pa nô, áp phích kết hợp việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, kể chuyện, tọa đàm, giao lưu, sinh hoạt truyền thống… gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo đã giúp cho các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, có những việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương đạo đức của Người mà phong trào "Người tốt, việc tốt" là minh chứng rõ nét nhất cho việc làm theo gương đạo đức của Bác. Đây thực chất là một cuộc vận động xã hội sâu rộng đến mọi tầng lớp và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Từ các phong trào thi đua đã làm nảy nở, xuất hiện và bồi dưỡng, rèn luyện những gương "Người tốt, việc tốt" và chính những điển hình này đã trở thành nòng cốt, thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Rất nhiều công nhân tiên tiến, nông dân sản xuất giỏi; những phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; những "Thanh niên tình nguyện xuất sắc"; những nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho quốc kế dân sinh; những "Thầy thuốc như mẹ hiền"; những vận động viên Hà Nội đạt thành tích cao trên đấu trường cả nước, trong khu vực và quốc tế; nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, những người khuyết tật vượt lên số phận… trong các phong trào thi đua đã được công nhận là "Người tốt, việc tốt". Hai mươi năm qua đã có hơn hai vạn "Người tốt, việc tốt" được ghi tên vào Sổ vàng thi đua của thành phố và hàng chục vạn người được công nhận là "Người tốt, việc tốt" từ cơ sở đến quận, huyện, thị xã.
Cùng với phong trào cách mạng, công tác thi đua yêu nước của Thủ đô cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Nhưng xuyên suốt mạch chảy trong hai phần ba thế kỷ này là tinh thần yêu nước nồng nàn của những thế hệ người Hà Nội. Mồ hôi và cả xương máu của những người con ưu tú trên mảnh đất nghìn năm văn hiến và anh hùng đã đổ vì sự hưng vong của Tổ quốc và Thủ đô, để đến hôm nay họ có thể tự hào xứng đáng là những công dân Hà Nội đã thực hiện xuất sắc "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc" của Bác Hồ kính yêu.
Chính sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi của mỗi người dân Hà Nội. Đảng bộ Hà Nội, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ cơ sở đến thành phố đã đóng góp vào thành tích thi đua yêu nước qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và biểu dương khen thưởng kịp thời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đông đảo nhân dân Thủ đô đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, chung tay, góp sức xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội. Từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, có nguồn nhân lực dồi dào và những vùng văn hóa đặc sắc xứ Đoài, Sơn Nam Thượng của mảnh đất trăm nghề Hà Tây, tạo nên một nguồn lực lớn để Thủ đô vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại chặng đường hai phần ba thế kỷ hưởng ứng "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội có thể tự hào vì chính Hà Nội là nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu, quan trọng của cả nước, nơi nuôi dưỡng, duy trì và đưa phong trào phát triển đến đỉnh cao, đạt được những thành tựu vững chắc về các mặt kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng. Những vinh dự to lớn, những phần thưởng cao quý: Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng, ba lần được nhận Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý là tài sản vô giá, là hành trang của Thủ đô và mỗi người dân Hà Nội để sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng bào cả nước vươn tới những đỉnh cao chói lọi.
Trên con đường xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm biến ý chí, nghị lực, nguyện vọng thành niềm tin và hành động trong các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ vững chắc Thủ đô yêu quý, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng, để Thủ đô thật sự là trái tim của Tổ quốc, là địa phương đứng đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.