(HNM) - Là địa phương có truyền thống tích cực thực hiện các phong trào thi đua ái quốc, trước ngưỡng cửa 1000 năm, Thủ đô Hà Nội đã phát động nhiều đợt thi đua đặc biệt với hình thức và nội dung mới, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết hài hòa vấn đề an sinh xã hội.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo với các gương người tốt, việc tốt của Thủ đô năm 2009. Ảnh: Nhật Nam |
Người người thi đua, ngành ngành thi đua
Gần ngày Đại lễ kỷ niệm Thủ đô tròn 1000 tuổi, TP đã phát động nhiều phong trào thi đua đặc biệt để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất. Nổi bật là các hoạt động thi đua: "Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Cả nước hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" (do Thủ tướng Chính phủ chủ trì); tổ chức giao ước, cam kết trách nhiệm của các đơn vị trước UBND TP trong việc thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; "Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản thủ tục hành chính"; thực hiện chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người Hà Nội thanh lịch hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Từ đó, khí thế thi đua được thực hiện sôi nổi tại các cấp, các ngành. Ngành thương mại - du lịch - dịch vụ có phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện "Dồn điền, đổi thửa chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; giao thông - xây dựng - quản lý đô thị có mục tiêu "Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp", "Người Thủ đô không đổ rác ra đường"; MTTQ và các đoàn thể TP có phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Lao động giỏi", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Tôi yêu Hà Nội", "Người nông dân sản xuất giỏi"… UBND và hội đồng thi đua - khen thưởng các quận, huyện, thị xã đã bám sát nhiệm vụ TP giao, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới từ các phong trào thi đua của cơ sở; điển hình là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông; thị xã Sơn Tây; các huyện: Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Thạch Thất, Đan Phượng… Khí thế thi đua sôi nổi đó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện các công tác trọng tâm của các cấp, các ngành, góp phần đưa kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, ngăn chặn được suy giảm và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội địa năm 2009 tăng 6,7% so với năm 2008 (mức bình quân toàn quốc là 5,2%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng thời, khí thế đó còn lan tỏa tới các bộ, ngành trung ương và nhiều địa phương khác. Nhiều đơn vị đã đăng ký sản phẩm và công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hướng đến giá trị đích thực
Cùng với thi đua, TP đã tổ chức nhiều hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nỗ lực, năng động, sáng tạo phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã có hàng trăm tập thể và cá nhân (chủ yếu là cán bộ, công nhân viên, người dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu) được UBND TP khen thưởng đột xuất. Có thể nói, TP Hà Nội là một trong những địa phương tích cực hướng đến giá trị đích thực của thi đua. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của TP luôn chú trọng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế, quy định về công tác thi đua - khen thưởng. Mới đây, UBND TP đã ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú". Theo đó, các cá nhân được công nhận danh hiệu này là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc tiêu biểu, dẫn đầu trên từng lĩnh vực: lao động sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước, công tác đảng, đoàn thể, công tác xã hội từ thiện… nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Đồng thời, cá nhân đó phải tận tụy, trung thực, tiêu biểu cho tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; gương mẫu trong xây dựng văn hóa tại đơn vị, gia đình và nơi cư trú. Ðây sẽ là danh hiệu cao quý nhất mà TP phong tặng cho công dân Thủ đô, được xét và trao tặng vào dịp 10-10 hằng năm.
Theo ông Hoàng Duy Khanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP: "Việc chọn lựa ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực một cá nhân xuất sắc nhất không khó, vì người có thành tích, có cống hiến theo số điểm cộng lại từ các hội đồng cấp sở, ngành, quận, huyện lên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP. Nhưng với số lượng chỉ có 10 cá nhân, đòi hỏi việc xét duyệt phải chắt lọc hơn, danh hiệu sẽ thực sự có ý nghĩa không chỉ với cá nhân, gia đình, mà còn có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực tới đời sống xã hội. Như vậy, 10 công dân Thủ đô ưu tú sẽ là mười bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa Người tốt - Việc tốt của TP". Cùng thời điểm này, TP cũng ban hành quy chế xét tặng danh hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô" và quy định mới về việc xét tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Từ năm nay, danh hiệu "Người tốt - Việc tốt" sẽ chỉ xét tặng cho các cá nhân chứ không xét tặng cho hộ gia đình hay tập thể nữa.
Hiệu quả từ việc tổ chức phát động thi đua thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chính trị và coi trọng việc tổng kết, khen thưởng đã giúp thành phố từng bước vượt qua khó khăn, lập nhiều thành tích thiết thực kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 tuổi. Đó cũng là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.