Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực cho tăng trưởng tín dụng

Hà Linh| 05/03/2022 06:26

(HNM) - Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, song những kết quả khả quan của nền kinh tế thời điểm đầu năm 2022 đã tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Dự báo, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có thể đạt mức cao trong năm 2022...

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Trần Hữu

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 1-2022, tăng trưởng tín dụng đạt 2,74% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,53% của tháng 1-2021. Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Theo các chuyên gia, với kết quả này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng 14% cho cả năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Động lực tăng trưởng tín dụng được dự báo tích cực hơn so với năm 2021, nhờ triển vọng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6-7%, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, cùng nhiều yếu tố lạc quan khác…

Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2022, thậm chí là cao hơn, nhờ chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước là vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cũng theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều biến động do dịch Covid-19, chính sách tiền tệ tiếp tục phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 sẽ tác động tích cực đến ngành Ngân hàng. Bởi, các gói hỗ trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng. Điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp, sẽ là “đòn bẩy” cho tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, ngay cả khi lãi suất cho vay rơi xuống “đáy”, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, doanh nghiệp không có đầu ra nên tín dụng hầu như không tăng trưởng. Ông Nguyễn Bá Lộc, đại diện Công ty Eliss (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong hơn 2 năm qua, đơn đặt hàng từ đối tác giảm, trong khi các loại chi phí tăng mạnh, nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất. Từ khi chính sách ứng phó với dịch Covid-19 thích ứng, linh hoạt hơn, hoạt động của doanh nghiệp phục hồi, công ty mới có thể “gõ cửa” ngân hàng để có thêm nguồn lực phát triển sản xuất.

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) Hàn Ngọc Vũ, hiện dư nợ cá nhân, hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh hứa hẹn mang đến cơ hội lớn cho mảng bán lẻ, tiêu dùng thời gian tới.

Ngân hàng tiếp tục chính sách hỗ trợ

Mặc dù có tín hiệu tích cực nhưng đại diện các ngân hàng nhận định, mặt bằng lãi suất khó có thể duy trì mức thấp trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, nền kinh tế đang quay về trạng thái vận hành bình thường sau giai đoạn chống dịch. Hơn nữa, từ cuối năm 2021, dòng tiền dân cư có sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, bất động sản khiến huy động vốn trên thị trường của các ngân hàng trở nên khó khăn và cạnh tranh hơn. Do đó, mặt bằng lãi suất năm 2022 dự kiến tăng, không còn thấp như năm 2021.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí để áp dụng mức lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa triển khai gói giải pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân phát triển sản xuất, với lãi suất ưu đãi và các dịch vụ phụ trợ tiện ích. Theo đó, doanh nghiệp được cấp hạn mức vay 10 tỷ đồng, tài trợ tới 80% phương án sản xuất - kinh doanh, với lãi suất từ 8,5%/năm, đặc biệt ưu tiên cho các trang trại nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Hay Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có chương trình ưu đãi lãi suất từ 7%/năm khi khách hàng vay sản xuất - kinh doanh ngắn hạn; 7,79%/năm vay trung và dài hạn. Tổng hạn mức gói ưu đãi này là 6.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng tổng thể và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cơ sở là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực cho tăng trưởng tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.