LTS: Dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nỗ lực của thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan cũng như sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, có thể khẳng định, hiện đã là thời điểm chín muồi để tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án đường vành đai mang tầm chiến lược, tạo động lực phát triển, gia tăng khả năng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá.
Sau 10 năm nằm trên giấy, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã có hướng đi mới, triển vọng mới khi 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang cùng kiến nghị chấp thuận chủ trương đầu tư toàn tuyến theo phương án khép kín. Theo các chuyên gia, việc xem xét, quyết định làm tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội, không gian đô thị bền vững không chỉ cho Hà Nội mà toàn Vùng Thủ đô.
Hơn 10 năm “đoạn trường”
Hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29-7-2011, phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18. Theo quy hoạch này, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến cao tốc vành đai đi bằng với quy mô chiều dài 98km, qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), với mặt cắt ngang điển hình rộng 120m (bao gồm phần cao tốc 6 làn xe và hệ thống đường gom song hành hai bên). Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa phận Hà Nội dài khoảng 56,5km.
Theo yêu cầu, dự án phải hoàn thành trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa bàn Hà Nội hoàn thành trước năm 2018 nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai do có quy mô lớn, khó bố trí vốn (được xác định từ ngân sách nhà nước), trong khi việc khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để đầu tư dự án không khả thi.
Thực tế cho thấy, dự án đường Vành đai 4 càng chậm triển khai thì áp lực giao thông tại Thủ đô Hà Nội càng đè nặng lên đường Vành đai 3. Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, tuyến Vành đai 3 hiện nay đã có dấu hiệu quá tải. “Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tuyến vành đai trọng yếu này tắc từ chiều đến đêm vì lượng phương tiện quá lớn. Vì vậy, người dân rất mong mỏi thành phố sớm triển khai Vành đai 4”, ông Nguyễn Đức Cường (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) bày tỏ.
Đề cập về khó khăn trong quá trình triển khai tuyến Vành đai 4 đoạn thuộc địa phận Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, quy mô tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn; tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối, trong khi việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, vào quý III-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau chỉ đạo này, tuyến đường vành đai liên vùng vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể, khả thi để sớm hiện thực hóa mục tiêu.
Tạo động lực phát triển
Tháng 5-2021, siêu dự án có hướng đi mới khi lãnh đạo thành phố Hà Nội họp với các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và 5 địa phương cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án các địa phương cùng nhau thực hiện; trong đó, thành phố Hà Nội là “đầu tàu” chủ trì nghiên cứu, triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến.
Đặc biệt, ngày 20-9-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Nghị quyết số 07-NQ/TU nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này là "Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô". Vành đai 4 là đường ngoài khu vực nội đô, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Xác định được tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương và giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước thời gian qua - phần nào bị kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế là do thiếu đường giao thông. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định làm tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển kinh tế, không gian đô thị bền vững.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.