(HNM) - Có thể nói, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7-2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng năm 2021.
Ở các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%; tỉnh Long An giảm 14,6%; tỉnh Cà Mau giảm 13,7%... Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang các tháng 5, 6, 7-2021 giảm lần lượt là 26,7%, 49,8%, 15,5%; của tỉnh Bắc Ninh giảm lần lượt là 23,9%, 8,6%, 1,1%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 nhóm khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện là: Tổng cầu giảm mạnh khiến đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm, trong đó nhu cầu trong các ngành giảm trung bình 40-50%; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt; chi phí đầu vào, vận chuyển tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm; chuỗi sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu bị gián đoạn; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do mỗi địa phương có chính sách phòng, chống dịch khác nhau; nguy cơ thiếu lao động khi giãn cách xã hội kéo dài; khó khăn về chuyên gia do vấn đề nhập cảnh; chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn khó tiếp cận do việc triển khai cứng nhắc, chưa bao quát hết tình huống phát sinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, “những mảng xám” loang rất nhanh trong “bức tranh” doanh nghiệp, đặc biệt kể từ tháng 7-2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên cả nước. Do đó, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp đang cạn dần, sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 8-8 mới đây là hành động thiết thực nhằm lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ, các cấp, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền sử dụng đất được gia hạn; các khoản tín dụng của doanh nghiệp được tái cơ cấu, giảm lãi suất; thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh… Riêng đợt dịch bùng phát lần thứ tư, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được nghiên cứu, ban hành. Cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực vượt khó, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Hàng nghìn tỷ đồng được doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch Covid-19; cùng rất nhiều trang thiết bị khám chữa bệnh được doanh nghiệp ủng hộ các cơ sở y tế. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ nhau duy trì sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là tinh thần đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là ngăn chặn và sớm kiểm soát dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt, hợp lý, không quá cực đoan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động, hoàn thành các đơn hàng. Về lâu dài, khi dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, cũng cần tính đến các nguồn lực, biện pháp, chính sách hỗ trợ dài hạn, bền vững, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, mạnh mẽ sau đại dịch.
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là thời điểm khó khăn tác động mọi mặt đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế mà đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin. Càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, đoàn kết chống dịch và sản xuất.
Thủ tướng khẳng định sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo tăng cường phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành nắm tình hình, tham mưu Chính phủ giải pháp kịp thời. Cùng với đó, Thủ tướng mong cộng đồng doanh nghiệp cùng đúc kết, tham khảo mô hình hay để cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh.
Lắng nghe, chia sẻ, đoàn kết, đồng lòng để tất cả cùng vượt qua đại dịch, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.