(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà cùng với hội thảo khoa học toàn quốc
Câu hỏi chung lớn nhất được đặt ra là vấn đề đạo đức xã hội được phản ánh thế nào trong nền văn nghệ đương đại và cần làm gì để cổ vũ cho nền văn nghệ không ngừng góp phần bồi đắp nhân cách con người Việt Nam?
Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cần phản ánh được những vấn đề đạo đức xã hội, góp phần xây dựng giá trị con người. Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” của Lưu Quang Vũ. |
Văn nghệ phản ánh đạo đức thế nào?
Với tính chất một hội thảo khoa học, đa số các tham luận mang hàm lượng tri thức đáng kể về cả triết học, lý luận văn nghệ đủ để không ai có thể chối cãi một thực tế là văn học nghệ thuật thực sự "hiện diện cho cái đẹp để cứu rỗi nhân loại". Chuyện đáng nói ở đây là vấn đề đạo đức xã hội được văn nghệ nhìn nhận, phản ánh, chuyển hóa thế nào trong các tác phẩm. Báo cáo đề dẫn của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nêu: "Văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam những năm qua đã xuất hiện một số tác phẩm thể hiện khát vọng đấu tranh quyết liệt với mong muốn, bằng sức mạnh của riêng mình, góp phần cứu vãn tình hình đạo đức xuống cấp". Thực tế, trên các lĩnh vực từ văn học, điện ảnh, đến sân khấu, âm nhạc... chúng ta đều ghi nhận được những nỗ lực bồi đắp những giá trị nhân bản của con người. Tuy nhiên, Hội đồng cũng cho thấy "đã xuất hiện những khuynh hướng lảng tránh những vấn đề đạo đức, biến văn học, nghệ thuật trở thành trò giải trí đơn thuần…".
Trong phần tham luận các văn nghệ sĩ cũng cho thấy những hạn chế của văn nghệ hiện nay trong việc thực hiện sứ mệnh khai phóng, giáo hóa của mình. Nhà giáo Nguyễn Đình Chú nêu ví dụ về phim "Bỗng dưng muốn khóc" và bày tỏ văn nghệ ta cứ giản dị mà khéo léo chuyển tải những điều nhân ái như vậy cũng là quý lắm rồi! TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu lại nêu một ý kiến xác đáng là âm nhạc cũng như môi trường hưởng thụ âm nhạc cho cộng đồng, đặc biệt cho trẻ nhỏ chưa đặt yếu tố con người lên hàng đầu, nên chưa phát huy được khả năng kỳ diệu của loại hình nghệ thuật này trong việc bồi dưỡng nhân cách con người. Còn nhiều ca khúc nặng giáo lý, các cuộc thi tài năng âm nhạc cho trẻ em nghiêng về thi đấu, thắng - thua, phần nào ảnh hưởng đến sự vô tư và tình yêu âm nhạc trong sáng của trẻ. Trong văn học, tính lý tưởng còn chưa rõ ràng và thiếu những hình tượng thẩm mỹ lay động người đọc. Một đại biểu khác lại cho thấy góc nhìn về chủ đề đạo đức trong điện ảnh là bạo lực trên phim ảnh được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, văn hóa xử lý các tình huống bạo lực trong điện ảnh thì rõ ràng còn thiếu.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chỉ ra tính vào cuộc, tính đấu tranh của văn học nghệ thuật: "Hơn 30 năm trước khi chúng ta manh nha chuẩn bị cho công cuộc đổi mới, những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ, những tiểu thuyết của Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường… và nhiều truyện ngắn, bút ký đã gây chấn động trong dư luận bạn đọc về việc cảnh báo sự xuống cấp đạo đức trong đời sống xã hội. Đứng trước hiện thực của đời sống hôm nay, VHNT không chỉ còn là công việc dự báo nữa mà phải tự đặt mình trong cuộc đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng tiêu cực nhức nhối...".
Đi tìm tiếng nói chung
Yêu cầu đặt ra là như vậy, nhưng giải pháp nào để cổ vũ văn nghệ tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình, trong khi nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng: "Không thể đào tạo ra nhà văn lớn, lại càng không thể đặt hàng mà có tác phẩm lớn".
Ý kiến của một thầy giáo tại diễn đàn khoa học về đạo đức trong VHNT nêu trên là "cần nâng cao giá trị đạo đức trong VHNT từ gốc, tức là lấy việc nâng cao vấn đề đạo đức trên giảng đường đại học làm cơ sở, nhất là đối với sinh viên ngữ văn". Bởi lẽ theo ông, "nếu lực lượng này vẫn không có khả năng giải mã những kiệt tác có những phức tạp, nhạy cảm về đạo đức, nhằm định hướng và dẫn đường cho bạn đọc phổ thông, thì có lẽ không thể trông mong gì việc nâng cao sự tác động của văn học lên đạo đức xã hội một cách đúng đắn, cập nhật với thời đại và thế giới".
Ở góc độ sáng tác, lão nhà văn Hoàng Quốc Hải có những ý kiến thiết thực: "Muốn có tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục cao, trước hết hãy bồi dưỡng cho cá nhân nhà văn có phông kiến thức cao, có tầm văn hóa sâu và rộng". Với góc nhìn khác, nhưng hoàn toàn biện chứng với quan điểm trên, nhà lý luận phê bình trẻ Ngô Hương Giang nhấn mạnh: "Văn học là một hình thái ý thức tự nguyện, nó gieo vào con người niềm tin có lý trí, vượt lên chính mình... Chỉ có sự tự nguyện mới giúp cho con người ý thức về sự thiện như một đới cực chống lại cái ác, chống lại sự suy thoái nhân cách trầm trọng. Một nền quốc học mà yếu về văn học là một nền quốc học nặng về giáo dục áp đặt".
Có thể thấy, văn nghệ chân chính, tự thân nó đã mang thông điệp về cái đẹp, sự hướng thiện. Nhưng đứng trước những biến động phức tạp và dữ dội của xã hội hiện nay, các văn nghệ sĩ thực sự phải đối diện với một cuộc vượt thoát lớn của chính mình để đi đến cùng với sứ mệnh cao đẹp của văn nghệ, cũng là sứ mệnh bồi đắp phẩm giá con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.