(HNM) - Trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn về nguồn nhân lực, trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao nên đã làm giảm năng lực cạnh tranh. Trước thực tế này, các ngành, các cấp của thành phố đang nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất.
Đối mặt với nhiều khó khăn
Công ty Datalogic Việt Nam tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh có 800 lao động làm việc. 100% công nhân của công ty đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19; 95% đã tiêm mũi thứ 3. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, F0 dù không triệu chứng vẫn phải cách ly ít nhất 7 ngày; F1 cách ly 5 ngày. Việc này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp thiếu nhân lực giữa lúc đơn hàng tăng cao.
Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho rằng, với F1 cần có quy định thông thoáng hơn. “Nếu F1 có xét nghiệm âm tính, vẫn nên cho họ đi làm. Cơ quan, doanh nghiệp bố trí nơi làm việc giãn cách, thực hiện "5K", theo dõi trong vòng 5 ngày, chứ không nên cách ly triệt để như bây giờ”, ông Nguyễn Văn Bé đề xuất.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà nhiều doanh nghiệp thành phố đang phải đối mặt, đó là chi phí đầu vào cao, do giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh hơn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Phú Xuân nêu thực tế: “Giá sợi cotton đã tăng gần 70%; nguyên phụ liệu dệt may khác cũng tăng gần 40% khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này”.
Ngoài ra, không thể không nói đến sự việc, từ ngày 1-4 tới, thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển, với mức từ 2,2 đến 4,4 triệu đồng/container. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú Dương Khuê chia sẻ: “Mỗi tháng, chúng tôi xuất khoảng 150 container và nhập nguyên liệu với số lượng tương đương. Nếu thu phí hạ tầng như trên, doanh nghiệp sẽ tốn thêm hàng tỷ đồng”. Trước lo lắng này, ngày 1-3 vừa qua, 7 hiệp hội gồm: Dệt may Việt Nam, Da giày - Túi xách Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản… đã gửi công văn kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh chưa triển khai thu phí hạ tầng cảng biển đến hết 31-12-2022 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Phải có cơ chế giải quyết khó khăn nhanh nhất
Với tinh thần hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, các ngành, các cấp của thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm bắt băn khoăn của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh những chính sách phù hợp. Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm thông tin, thành phố đang vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành để F0 và F1 sớm đi làm trở lại. Cụ thể, sau thời gian F0 cách ly theo quy định chung của Bộ Y tế, nếu xét nghiệm vẫn dương tính thì có thể đi làm trực tiếp tại vị trí ít tiếp xúc. Ngày 24-3, UBND thành phố Hồ chí Minh đã ban hành Văn bản số 882/UBND-VX, cho phép F1 đi làm, đi học trực tiếp. Những F1 này xét nghiệm sàng lọc Covid-19 vào ngày thứ 5; thực hiện nghiêm "5K", hạn chế tiếp xúc người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai, người chưa tiêm đủ vắc xin.
Để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong năm 2022, Sở phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố tổ chức chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tháo gỡ về vốn; triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Cùng với đó, Sở sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Còn về chủ trương triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An phân tích, trong thời gian dịch Covid-19, HĐND thành phố đã 2 lần hoãn thu phí, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp số tiền lên đến gần 1.500 tỷ đồng. “Tiền thu phí này được dành cho nâng cấp hạ tầng giao thông cảng và xung quanh cảng, tăng năng lực vận chuyển và thông quan hàng hóa, từ đó góp phần giảm chi phí logistics. Đây là việc làm mà cả thành phố và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Trong thời gian chờ HĐND thành phố xem xét, quyết định, chúng tôi rất mong doanh nghiệp cùng đồng hành thực hiện chủ trương lớn này”, ông Bùi Hòa An nói.
Trong cuộc gặp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày 22-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đã nắm bắt những đề xuất của doanh nghiệp, tập trung vào 3 nội dung trọng tâm là: Thể chế - chính sách, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực. “Chính quyền đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng nhau ngồi lại để giải quyết và phải có cơ chế giải quyết nhanh nhất. Các cấp, các ngành của thành phố đang nỗ lực theo hướng này”, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.