(HNMO) - Ngày 31-5, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19”.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 (diễn ra từ ngày 1-6 đến hết ngày 30-6) của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nội dung được đông đảo trẻ em và phụ huynh quan tâm tại tọa đàm là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19, nhất là tại các khu cách ly tập trung, các địa bàn cách ly y tế.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì thế, trong kỳ nghỉ hè, bố mẹ cần sắp xếp công việc, dành thời gian hợp lý để chăm sóc, lắng nghe, vui chơi cùng con tại nhà.
Các cơ quan chức năng đã, đang dành sự quan tâm về nhiều mặt cho các cháu phải điều trị, cách ly y tế, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho mỗi cháu 80.000 đồng tiền ăn/ngày.
Trường hợp nào cần trợ giúp mà chưa nhận được sự trợ giúp kịp thời, gia đình, người thân hoặc những người thường xuyên ở bên các cháu nên gọi điện đến Tổng đài điện thoại quốc gia 111 hoặc số điện thoại đường dây nóng của trung tâm dịch vụ công tác xã hội ở các tỉnh, thành phố, các ngành, đoàn thể liên quan để được tư vấn, trợ giúp kịp thời.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, người thực hiện dự án Đường dây nóng Ngày Mai nhấn mạnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào đúng thời điểm nghỉ hè, khiến các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí của trẻ em bị ảnh hưởng. Việc phải ở nhà trong thời gian dài khiến trẻ em cảm thấy bí bách, có những mối lo khó định hình, mà đôi khi người lớn không nghĩ đến, thậm chí có những trường hợp có diễn biến tâm lý khá phức tạp.
Do đó, bố mẹ cần đồng hành với con vượt qua đại dịch Covid-19, bắt đầu từ những việc nhỏ như luôn để mắt tới trẻ, không để trẻ tiếp xúc với các vật dụng nguy hiểm (ổ điện, dao, kéo, nước nóng...), không để trẻ tiếp xúc với những nơi, những người có nguy cơ nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên có những sản phẩm truyền thông thân thiện, phù hợp với trẻ; giúp trẻ hứng thú tìm hiểu các chương trình, hoạt động bổ ích, hạn chế sử dụng mạng xã hội, chơi điện tử...
Dưới góc độ của phụ huynh, nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng: “Muốn đồng hành với con, phụ huynh phải hiểu con, dành thời gian “chất lượng” cho con, chứ không chỉ đơn thuần là trông con”.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 4.000 trẻ em thuộc đối tượng F0 và F1 đang được điều trị, cách ly y tế tập trung cùng hàng triệu trẻ em bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các cháu cần được các cơ quan chức năng, trực tiếp là phụ huynh và người thân quan tâm, đồng hành để lớn lên trong môi trường an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.