(HNM) - Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch dần nới lỏng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước khôi phục một cách thận trọng. Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phát huy vai trò, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Sau khi thành phố Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, một số hoạt động sản xuất và dịch vụ được mở cửa trở lại sau khoảng 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là lúc nhiều nhà xưởng sản xuất bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại.
Giám đốc Công ty ICHI Việt Nam thuộc Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai Phạm Hoàng Long cho biết, sau khi tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch, người lao động của công ty cơ bản đã đi làm gần đủ và được xét nghiệm Covid-19 hằng tuần. Mỗi buổi sáng hằng ngày, các “Tổ an toàn Covid-19” đều có báo cáo tình hình, nếu phát hiện ai có yếu tố dịch tễ đều được công ty cung cấp que thử để phát hiện, xử lý dịch bệnh kịp thời. Riêng với “1 cung đường 2 điểm đến”, công ty yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm, chỉ từ nhà đến công ty và ngược lại, tuyệt đối không gặp gỡ, tiếp xúc người khác…
Công ty cổ phần Toàn Lực thuộc Liên đoàn Lao động quận Bắc Từ Liêm cũng có khoảng 80% lao động đã quay trở lại làm việc. “Nguyên nhân số lao động chưa quay trở lại làm việc là do công ty vẫn đang trong quá trình phục hồi, lượng công việc vẫn chưa ổn định. Do đó, dây chuyền nào cần người, công ty sẽ ưu tiên gọi lao động đi làm việc trước”, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Toàn Lực Nguyễn Văn Dương giải thích. Ông Nguyễn Văn Dương cũng cho biết thêm, để có thể duy trì sản xuất như hiện nay, công ty đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn thông qua sự hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch, ngay giờ ăn, điểm ăn cũng được sắp xếp lại để bảo đảm giãn cách.
Tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Mỹ Đức, Liên đoàn Lao động các địa phương này cũng phối hợp với công đoàn cơ sở triển khai kế hoạch của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch, ổn định sản xuất. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức Đỗ Hữu Hùng thông tin, đơn vị đã tuyên truyền vận động 25/25 doanh nghiệp trên địa bàn có tổ chức công đoàn thành lập 58 "Tổ an toàn Covid-19" (đạt 100%) với 365 người tham gia. Đến nay, các “Tổ an toàn Covid-19” đều duy trì hoạt động tốt, trở thành “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực việc tạo dựng môi trường làm việc an toàn, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Trong bối cảnh vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp; sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì đời sống, việc làm cho người lao động, với tinh thần “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”. Các cấp công đoàn thành phố cũng chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động; tham gia chủ động vào công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố còn yêu cầu công đoàn các cấp nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động. Khi người lao động mới quay trở lại làm việc sẽ chưa thể tạm ứng hoặc nhận lương ngay nên cuộc sống còn khó khăn. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần có phương án chăm lo phù hợp và cần phải triển khai sớm, bảo đảm người lao động được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh... Trường hợp công đoàn cấp trên cơ sở không cân đối được nguồn tài chính hoặc người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, báo cáo Liên đoàn Lao động thành phố để xem xét hỗ trợ.
Trước mắt từ nay đến cuối năm, các cấp công đoàn thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo các điều kiện, nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, không để người nào bị thiếu ăn, thiếu mặc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.