Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành vì công lý

Hà Phong| 08/09/2010 07:10

(HNM) - Hôm qua (7-9), tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã mở hội nghị biểu dương 88 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác PCTN với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.


Trong số này, gần một nửa có thành tích trong tố cáo tham nhũng. Họ hầu hết là những cựu chiến binh (CCB), đảng viên kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng nhũng nhiễu, không ít người đã phải chịu các hình thức trả thù tinh vi từ những người có chức quyền ở địa phương. Họ cam chịu sự nghiệt ngã do phản ứng của người tiêu cực bị tố cáo. Hầu hết họ đều giãi bày, chia sẻ, không ngại chống tiêu cực, chỉ sợ lẻ loi.

Ông bí thư dũng cảm

Tháng 8-2005, tại Đại hội (ĐH) Đảng bộ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ông Phạm Thanh Bình được ĐH tín nhiệm với số phiếu cao nhất, vào vị trí Bí thư Đảng ủy phường. Tiếp đó, ông Bình được HĐND phường tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND phường. Trọng trách nặng nề trên vai, Bí thư Bình cùng nhiều đảng viên trong Đảng bộ tích cực chỉ đạo chính quyền giải quyết các vụ việc tồn đọng, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai có dấu hiệu tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân. Đáng chú ý, những vụ việc nêu ra, phần lớn liên quan trách nhiệm tới các cán bộ khóa trước, giờ đã lên công tác trên quận, việc giải quyết không mấy chuyển biến. Thậm chí, ông và những CCB khác ở địa phương cùng đấu tranh chống tiêu cực còn bị một số đối tượng xấu nhiều lần ném chất bẩn vào nhà, trấn áp tâm lý bằng tờ rơi với những nội dung lăng mạ, đe dọa...

Tháng 5-2008, ông Bình viết thư gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Lá thư tâm huyết của ông ngay lập tức được lãnh đạo Thành ủy quan tâm, yêu cầu Quận ủy Cầu Giấy giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc chưa ngã ngũ thì Ban Thường vụ Quận ủy Cầu Giấy đã gọi ông lên phê bình là "viết thư, phản ánh vượt cấp, vi phạm quy định của Đảng", đồng thời tống đạt quyết định "nghỉ điều hành công tác". Rất may, tình hình tại phường Nghĩa Đô lúc này đã được Thành ủy Hà Nội nắm bắt, chỉ đạo, phân công cán bộ đôn đốc xử lý. Kết quả là, sau 506 ngày bị cách chức, ngày 5-5-2010, ông Bình đã lần lượt được phục hồi các chức danh. UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo thu hồi 849m2 đất một cá nhân ''mượn'' của tập thể rồi không trả, miễn nhiệm 1 phó chủ tịch HĐND, 1 chủ nhiệm HTX nông nghiệp, kiểm điểm trách nhiệm của UBND phường Nghĩa Đô vì đã để sai phạm kéo dài; lập 2 đoàn thanh tra liên ngành của TP và quận "soi kỹ" 14 điểm nóng về sai phạm đất đai mà ông Bình đã phản ánh.

Phải bảo vệ người tố cáo tiêu cực

Theo Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, ví dụ trên đây là điểm sáng trong việc chống tiêu cực có tổ chức. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này thuộc về đảng bộ, chính quyền, nhân dân phường Nghĩa Đô, có thể tổng kết là "cấp ủy phất cờ, đảng bộ xung trận, chính quyền ra tay, nhân dân đồng thuận". Mặc dù vậy, không phải cá nhân nào được vinh danh lần này cũng có may mắn đó. Không ít người lên bục vinh quang nhưng vẫn đau đáu về việc cần có "cơ chế, biện pháp tích cực hơn để bảo vệ và khuyến khích người tố cáo tiêu cực".

Đó là ba anh em nhà ông Nguyễn Kim Hợp, ở xã Phủ Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh. Những CCB chân đất này từ năm 2005 đã bán trâu, bò lấy tiền mua máy ảnh, máy ghi âm, tự mình điều tra những vụ tiêu cực đất đai trên địa bàn. Bất chấp bị kẻ xấu ném đá vỡ mái nhà, vỡ cửa, rải tờ rơi đe dọa… họ âm thầm thu thập chứng cứ. Gửi đơn phản ánh, tố giác lên huyện không đạt kết quả, bằng nhiều đường vận động, anh em ông Hợp đưa đơn lên Văn phòng Chính phủ, gây áp lực trở lại địa phương. Hiện trong 70 trường hợp nghi vấn, UBND huyện Hương Khê mới thừa nhận đã cấp sổ đỏ sai cho 13 người.

Hội nghị còn nghe những trăn trở của bà Nguyễn Thị Hòa, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội khi tố cáo sai phạm liên quan đến công trình xây dựng trên cống thoát nước Hồ Tây ra sông Hồng; bà Dương Thị Mỹ Anh, thủ quỹ Đội công trình đô thị quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã phát hiện và tố cáo nhiều sai phạm của lãnh đạo đội và Công ty Công trình đô thị TP, do đấu tranh tiêu cực đã bị trù dập, cô lập, cắt lương, cúp việc làm… Các tham luận đầy xúc động như một bức tranh sống động cho những khó khăn, vất vả và thách thức trong cuộc đấu tranh PCTN. Đồng thời cũng thể hiện rõ niềm tin vào Đảng, Nhà nước và sự công bằng, tiến bộ xã hội và bản lĩnh, ý chí đấu tranh bền bỉ của các tầng lớp nhân dân trên mặt trận PCTN.. .

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, sự kiên trì và lòng dũng cảm, chấp nhận cả sự trả thù nghiệt ngã của những người đang ngày ngày đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng, vì công lý, lẽ phải và vì sự bình yên của nhân dân. Phó Thủ tướng đã giao Văn phòng BCĐ và Bộ CA cần sớm hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo các hành vi tham nhũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Nội vụ cũng cần hoàn chỉnh cơ chế khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Các cơ quan hữu quan cần có trách nhiệm đồng hành và quan tâm hơn nữa đến việc động viên, bù đắp mất mát của các cá nhân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng và chịu trách nhiệm nếu người tố cáo tham nhũng bị trả thù. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tổ chức biểu dương, khen thưởng cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình. Theo Phó Thủ tướng, làm được các việc này, 88 tấm gương trên mặt trận phòng, chống tiêu cực nêu trên và nhiều cá nhân nữa sẽ không cô đơn, lẻ bóng trong hành trình đi tìm công lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành vì công lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.