Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành giải quyết những ''bài toán khó'' của địa phương

Việt Nga| 02/08/2020 06:22

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số giúp giải quyết những “bài toán khó” để phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Từng bước tháo gỡ vướng mắc về ứng dụng công nghệ thông tin

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các địa phương về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các địa phương hiện nay?

- Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng Đoàn công tác của Bộ đã làm việc với 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnh đạo các địa phương đều rất quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện đã có 9 địa phương phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử 1.0 và đang chuẩn bị cập nhật lên kiến trúc 2.0. Tất cả 10 tỉnh, thành phố đều kết nối với mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. 8/10 địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. 4 địa phương phê duyệt đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh và 3 địa phương đăng ký thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp tại đa số các địa phương còn thấp. Tính đến hết quý II-2020, mới có tỉnh An Giang và Bình Phước nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 30% theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

- Theo ông, các địa phương cần khắc phục vấn đề gì trong triển khai chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh?

- Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị các địa phương dành tối thiểu 1% chi ngân sách (mức trung bình của thế giới) cho ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, mỗi địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để xây dựng chương trình hoặc kế hoạch chuyển đổi số, ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh, với lộ trình và nhiệm vụ cụ thể; trước hết là quyết liệt để đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên tối thiểu 30% trong năm 2020.

- Ngày 5-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả hợp tác phát triển thông tin, truyền thông. Ông có thể cho biết, sau buổi làm việc, Bộ có đề xuất, tư vấn hay hỗ trợ gì cho thành phố Hà Nội?

- Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển thông tin và truyền thông trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo. Đáng chú ý, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ sẽ cử các chuyên gia giỏi hỗ trợ Hà Nội xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử; đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ Hà Nội đánh giá kết quả triển khai hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung, cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các phần mềm dùng chung của thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để địa phương bứt phá

- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất các địa phương triển khai các nội dung cụ thể gì, thưa ông?

- Việc đẩy nhanh chuyển đổi số sẽ là cơ hội cho các địa phương bứt phá nếu nắm bắt được thời cơ và có cách làm đúng đắn. Triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng khung Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể xây dựng đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Bộ đang xây dựng cẩm nang, đồng thời cung cấp thông tin mới nhất về chuyển đổi số cho người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhằm chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội.

- Xây dựng và phát triển các nền tảng ứng dụng được coi là các bước quan trọng cho chuyển đổi số. Ông có thể cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có những chuẩn bị cụ thể gì?

- Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực. Cách nhanh nhất để chuyển đổi số là dựa trên các nền tảng. Đến nay đã có 10 nền tảng, nhóm nền tảng của hàng chục doanh nghiệp Việt Nam được giới thiệu. Đó là các nền tảng phục vụ học tập, đào tạo trực tuyến, cung cấp giải pháp cho hơn 30.000 trường học trên toàn quốc.

Hiện Bộ đang phát triển các hệ thống nền tảng kỹ thuật cho chính phủ điện tử, như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP đã có 70 địa phương, đơn vị kết nối. Cùng với đó là nền tảng mã bưu chính Vpostcode nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiến tới phục vụ nền kinh tế số. Đáng chú ý, nền tảng chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản - VAIS và nền tảng giọng nói nhân tạo tiếng Việt tự nhiên - Vbee, là hai công nghệ lõi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giải quyết triệt để những vấn đề mà các giải pháp nước ngoài chưa khắc phục được dành cho tiếng Việt...

- Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của ngành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nhấn mạnh việc triển khai mạng 5G và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Đến nay 3 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai thử nghiệm 5G để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng. Riêng Viettel, Bộ đã cho phép thử nghiệm thương mại với dịch vụ 5G. Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 tổ chức ngày 6-7 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam đã thử nghiệm thành công mạng di động 5G với thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối đều do Việt Nam sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xem xét, kiến nghị bổ sung hành lang pháp lý trong lĩnh vực viễn thông để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai công nghệ 5G. Cụ thể là tạo sự thông thoáng hơn nữa trong việc cấp phép, kinh doanh đối với các dịch vụ 5G; đấu giá băng tần số vô tuyến điện để có thể bổ sung tài nguyên tần số cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ 5G... Dự kiến, trong tháng 10-2020, Bộ xem xét cấp phép để các doanh nghiệp chuyển sang thử nghiệm thương mại 5G.

Bộ cũng ban hành cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối sử dụng công nghệ 5G; về lâu dài nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, nền tảng sử dụng công nghệ 5G để có khả năng làm chủ công nghệ, ứng dụng vào các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành giải quyết những ''bài toán khó'' của địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.