(HNM) - Từ một nước thu nhập thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo đói giảm từ 45,1% năm 1993 xuống 14,5% vào năm 2008, vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao.
Thành công của Việt Nam hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của Ngân hàng Thế giới (WB) với những chương trình/dự án tài trợ và tư vấn chính sách hiệu quả trong suốt những năm qua. Tại hội nghị "Quan hệ hợp tác Việt Nam - WB" do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 4-11, hai bên đã đánh giá cao kết quả sự hợp tác sâu rộng này.
Cách đây 35 năm (1976), Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WB. Hai năm sau, WB thông qua khoản tín dụng đầu tiên trị giá 60 triệu USD từ nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) cho dự án công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Từ sự khởi đầu tốt đẹp này, WB đã thường xuyên cử các phái đoàn sang Việt Nam nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như các báo cáo nghiên cứu về những lĩnh vực chủ chốt mà một nền kinh tế mở cửa như Việt Nam đang cần thiết như năng lượng, giao thông vận tải, y tế và tài chính. Tháng 11-1993, dưới sự điều phối của WB, Hội nghị Viện trợ cho Việt Nam tổ chức tại Paris đã cam kết ủng hộ 1,8 tỷ USD giúp Việt Nam thực hiện những chương trình về đổi mới và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, một năm sau đó mới là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam - WB. Bắt đầu bằng việc WB xây dựng Chương trình Chiến lược Hỗ trợ quốc gia (CAS) với những ưu tiên trong tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường, tài trợ quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quan hệ song phương phát triển mạnh từ hợp tác thông thường thành quan hệ đối tác. Kể từ thời điểm bước ngoặt đó đến tháng 9-2011, WB đã cung cấp cho Việt Nam 13,8 tỷ USD để thực hiện 117 chương trình và dự án. Tổng số vốn đã giải ngân đạt khoảng 8 tỷ USD. Lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn vay cao nhất là cơ sở hạ tầng khi lên đến 62% tổng vốn vay.
Hai hướng ưu tiên quan trọng trong các chương trình, dự án tài trợ của WB dành cho Việt Nam thời gian qua là cải cách thể chế và xóa đói giảm nghèo. Các chương trình, dự án đầu tư đều được WB lồng ghép hỗ trợ chính sách, thể chế, tăng cường năng lực quản lý, phát triển khung thể chế thu hút tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo phương thức công tư hợp tác (PPP)… Hiện nay, việc hỗ trợ của WB đối với Việt Nam để đổi mới chính sách, điều chỉnh cơ cấu kinh tế được thực hiện theo cách tiếp cận mới, thông qua các khoản vay phát triển chính sách như Cải cách đầu tư công (PIR). Những hỗ trợ của WB trong xóa đói giảm nghèo, từ hỗ trợ tín dụng đến các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn, phát triển đô thị… đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cải thiện cuộc sống người nghèo tại Việt Nam.
Kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010, Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành nước thu nhập trung bình. Chính sách hỗ trợ phát triển cho Việt Nam của các nhà tài trợ sẽ có sự thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới này. Song, Chủ tịch WB Robert Zoellik khẳng định WB sẽ tiếp tục cung cấp tài trợ cho Việt Nam nhằm thực hiện cải cách và các chương trình đầu tư công, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho người nghèo cũng như chia sẻ bài học của các nước thu nhập trung bình khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.