(HNM) - Hà Nội hiện có 2,7 triệu thanh niên (chiếm gần 40% dân số), trong đó có 700.000 là đoàn viên. Đây là lực lượng lao động dồi dào...
Một mô hình thanh niên trồng cây phật thủ cho giá trị cao ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thái Hiền |
20 triệu đồng không phải số tiền lớn, nhưng với những sinh viên mới ra trường như Nguyễn Thị Thùy Linh (ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) lại rất có ý nghĩa. Nhờ sự trợ giúp của Đoàn thanh niên, chính quyền, đoàn thể địa phương, Linh được vay vốn, nhận đấu thầu đất, mở trang trại trồng nấm sạch. Khi mới lập nghiệp, Linh chỉ hy vọng có thu nhập đủ sống. Nhưng nhờ được chuyên gia do tổ chức Đoàn mời về hướng dẫn kỹ thuật, Linh đã nắm được “công thức” phát triển mô hình. Theo thời gian, chất lượng nấm sạch của cơ sở nấm do Linh làm chủ ngày càng nâng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ ổn định đời sống, Linh còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên. Tương tự, mô hình trồng phật thủ của Tạ Tùy Duy (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) phát triển nhờ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, quỹ đất... của Huyện đoàn và chính quyền địa phương. Mô hình sản xuất của Duy đã được nhân rộng ở xã Đắc Sở, giúp nhiều thanh niên giàu lên nhờ trồng phật thủ.
Hai cơ sở kinh tế nói trên là ví dụ cụ thể về sự đồng hành của tổ chức Đoàn cùng thanh niên lập nghiệp. Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Khánh Bình cho biết, tính đến hết quý I năm 2016, Thành đoàn giải ngân được 34,6 tỷ đồng giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Mới đây, Đoàn thanh niên thành phố còn được giao quản lý 15 tỷ đồng từ Quỹ Giải quyết việc làm thành phố và 3,951 tỷ đồng Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm dành riêng cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, tổ chức Đoàn đã giải ngân cho 155 dự án và tạo việc làm mới cho 1.368 đoàn viên thanh niên. Ngoài trợ vốn, Đoàn thanh niên mời chuyên gia về hướng dẫn thanh niên kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; mở nhiều diễn đàn, hội chợ, làm cầu nối giúp thanh niên đưa sản phẩm ra thị trường và liên kết với doanh nghiệp, ngân hàng để vay vốn, nâng cao kiến thức và mở rộng mô hình kinh tế, chiến lược kinh doanh...
Không chỉ giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, tổ chức Đoàn còn định hướng giúp thanh niên lựa chọn nghề, giới thiệu việc làm, làm "cầu nối" thanh niên với nhà tuyển dụng, biến ước mơ của thanh niên thành hiện thực. Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên (thuộc Thành đoàn quản lý) Nguyễn Ngọc Trinh cho biết, chỉ tính 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tư vấn việc làm cho 4.257 thanh niên; giới thiệu việc làm cho 1.874 thanh niên; tư vấn nghề và tư vấn hướng nghiệp cho gần 30.000 thanh niên. Đặc biệt, trung tâm tập huấn kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho gần 2.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, công nhân khu công nghiệp - chế xuất, người khuyết tật…
Dù có rất nhiều cố gắng, nhưng cán bộ đoàn thừa nhận hiệu quả dự án đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp hiệu quả chưa cao. Thất nghiệp vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều thanh niên và là bài toán chưa có lời giải của không riêng tổ chức Đoàn. Nguyên nhân được xác định có một phần do nguồn vốn còn hạn chế. Trên thực tế, nguồn vốn ban đầu của Đoàn hỗ trợ là hết sức cần thiết, giúp thanh niên có "cần câu", nhưng số được vay vốn phát triển kinh tế tập trung ở khu vực nông thôn. Hạn mức được vay còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Ngoài ra, các hoạt động khác chủ yếu vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhưng kết quả thanh niên có tìm được việc làm phù hợp và duy trì công việc hay không vẫn còn là cả vấn đề cần bàn.
Để khắc phục hạn chế, khó khăn, bất cập trên, thiết nghĩ cần có cơ chế cụ thể, quy rõ trách nhiệm, gắn với kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau khi triển khai các chương trình đồng hành hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, từ đó có biện pháp bổ khuyết. Có như vậy, mới góp phần giảm tình trạng sinh viên sau ra trường thiếu việc làm hoặc làm trái nghề, thanh niên nông thôn thiếu việc làm như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.