Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng Thăng Long - Hà Nội

Lê Hoàn - Thành Nam| 14/10/2010 06:22

(HNM) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội vẫn là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, chính là nhờ công lao xây dựng, gìn giữ của các bậc tiền bối kiệt xuất, của bao thế hệ anh hùng, mọi thành phần xã hội, trong đó có cộng đồng công giáo. Cùng nỗ lực bảo vệ và dựng xây đất nước, gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt, đồng bào công giáo đã và đang góp sức vun đắp cho Thủ đô Hà Nội mỗi ngày giàu đẹp hơn.


Gắn bó với Thủ đô


Người dân xứ đạo Từ Châu (huyện Thanh Oai) tích cực sản xuất, kinh doanh. Ảnh: B.H

Tại buổi tọa đàm "Người công giáo Thủ đô với Thăng Long - Hà Nội" mới đây, TS Phạm Duy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo (UB ĐKCG) TP Hà Nội cho biết, từ một số giáo dân ban đầu cách đây gần 400 năm, đến nay Hà Nội đã có hơn 175.000 người theo công giáo, sinh hoạt tại 3 giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh. Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, người công giáo luôn đồng hành cùng mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả dân tộc.

Trong các thời kỳ cách mạng, khắp các xứ đạo đều có nhiều hoạt động ủng hộ chính quyền. Nhiều xứ họ đạo như Chuôn Thượng, Chuôn Trung (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt sau này là Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều trí thức công giáo Thủ đô hăng hái tham gia Chính phủ như ông Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế; ông Nguyễn Đình Đầu, Tổng Giám đốc Tổng nha Lao động toàn quốc. Khi thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, thanh niên công giáo Thủ đô đã gửi thư lên Chính phủ hứa: "Chúng tôi xin tận tâm trung thành với Chính phủ... để xứng đáng là một công dân mới". Đông đảo thanh niên công giáo gia nhập Vệ quốc đoàn, nhiều người anh dũng hy sinh như anh Vũ Đình Thành, con trai Bác sỹ Vũ Đình Tụng. Được tin anh hy sinh, Bác Hồ đã gửi thư chia buồn, động viên Bác sỹ Vũ Đình Tụng.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lớp lớp thanh niên công giáo cùng quân, dân cả nước ra trận. Bất chấp hy sinh, gian khổ, người công giáo Thủ đô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đã có nhiều giáo dân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT như ông Đỗ Văn Chiến, người được mệnh danh "Con chim đầu đàn của Tiểu đoàn Đại bàng xanh, chuyên vượt bão lửa Seng Phan" làm tốt công tác vận chuyển quân lương từ nước bạn Lào cho chiến trường miền Nam...

Xây dựng đời sống mới

Với một tình yêu trọn vẹn dành cho Thăng Long - Hà Nội, người công giáo Thủ đô hôm nay tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái phát triển kinh tế, xây dựng người Hà Nội nhân ái, thanh lịch, văn minh. Nhiều xứ họ trở thành điển hình tiên tiến về xây dựng làng văn hóa như xứ Tân Độ, Chuôn Thượng (Phú Xuyên); làm kinh tế giỏi như xứ Tây Tựu, Cổ Nhuế (Từ Liêm), họ giáo Phú Gia, xứ Thượng Thụy (Tây Hồ). Bây giờ nhiều hộ trồng thuốc nam ở Vạn Phúc, trồng hoa ở Tây Tựu, làm bánh kẹo ở Cổ Nhuế có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không phải là chuyện lạ. Hộ ông Nguyễn Huy Cần ở họ Trung Lương (Sóc Sơn) sản xuất, kinh doanh thu nhập 80-150 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hộ anh Nguyễn Văn Trường (họ giáo Phú Gia - Tây Hồ) có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm...

Nhiều quỹ học bổng của các xứ họ đã ra đời, cổ vũ con em giáo dân thi đua học tập. Tiêu biểu quỹ khuyến học mang tên Linh mục Vũ Ngọc Bích, mỗi năm trao hàng trăm suất học bổng với số tiền vài trăm triệu đồng. Có rất nhiều tấm gương vươn lên trong học tập, như anh Nguyễn Thanh Tùng (ở giáo xứ Hàm Long, quận Hai Bà Trưng) bị mù cả hai mắt vẫn học giỏi, có 2 bằng đại học, trở thành nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng…

Họ giáo Phú Mỹ (Từ Liêm) được biết đến với "hai không" (không cờ bạc, không ma túy) và là một địa chỉ từ thiện. Giáo dân Nguyễn Văn Dung kể, có lần giáo xứ nhận được lời thỉnh cầu sự hỗ trợ của một sinh viên có mẹ bị bệnh, định bán nhà để chữa chạy, bà con trong họ giáo đã quyên góp hơn 20 triệu đồng giúp đỡ kịp thời. Mỗi kỳ thi đại học, cả họ giáo tất bật lo chỗ ăn, chỗ ở miễn phí, giúp hàng trăm học sinh nghèo yên tâm thi cử. Hình ảnh cha xứ và hội đồng giáo xứ lặn lội đến các tỉnh miền núi xa xôi để tặng quà và áo ấm cho đồng bào đã trở nên quen thuộc mỗi khi đông về, tết đến.

Người công giáo Thủ đô luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ giáo Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ) và họ giáo Ngọc Động (xã Đa Tốn, Gia Lâm) chủ động bàn giao mặt bằng, di chuyển nghĩa trang; họ giáo Phúc Lý tự nguyện giao 200m2 đất nhà thờ quản lý để mở rộng đường. Bằng những việc làm thiết thực, người công giáo đang gắng sức cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một Thủ đô văn minh, giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.