Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng cô dâu Việt ở xứ Hàn

Đình Hiệp| 06/11/2013 06:14

(HNM) - Với hơn 235 nghìn cô dâu nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, xứ sở Kim chi có thể được xếp vào danh sách những quốc gia có nhiều cô dâu

Sau nhiều cuộc điện thoại từ Ban tổ chức “Chương trình nhà báo quốc tế” do Đài Truyền hình Arirang TV Hàn Quốc tổ chức, chúng tôi đã có một cuộc hẹn với tổng đài đường dây nóng hỗ trợ các gia đình đa văn hóa có tên gọi Trung tâm Danuri. Được thành lập vào tháng 6-2011, trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình đa văn hóa, cung cấp các thông tin về sinh hoạt, hướng dẫn dịch vụ phúc lợi xã hội, hỗ trợ thông dịch trong sinh hoạt hàng ngày cho các cô dâu “ngoại”… Số điện thoại đường dây nóng 15775432 của trung tâm đã trở nên quen thuộc với nhiều cô dâu Việt ở xứ Hàn.

Nguyễn Thị Trang - nhân viên tư vấn tiếng Việt cho cô dâu Việt Nam tại Trung tâm Danuri.



Nằm trên tầng 4 một tòa nhà ngay gần trung tâm thủ đô Seoul, Trung tâm Danuri không rộng như tôi tưởng. Thật ngạc nhiên, khi tiếp chúng tôi cùng với chị Yu Nam-Jin, cán bộ trung tâm, còn có Nguyễn Thị Trang, nhân viên tư vấn và thông dịch tiếng Việt. Sau vài phút làm quen, Trang rất vui khi biết tôi từ Việt Nam sang (quê Trang ở Phú Xuyên, Hà Nội). Nhớ lại thời gian đầu mới “chân ướt chân ráo” sang Hàn Quốc lấy chồng cách đây 5 năm, Trang nói: “Em sang đây lấy chồng từ năm 2008 ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây. Cũng như nhiều cô dâu nước ngoài khác, em không biết tiếng Hàn, chưa hiểu về văn hóa, phong tục tập quán cũng như cách sinh hoạt của nhà chồng nên gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 2 năm kiên trì học tiếng, em đã được tuyển vào Trung tâm Danuri làm việc để hỗ trợ các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc”.

Câu chuyện giữa chúng tôi đột nhiên bị ngắt quãng vì Trang có điện thoại tư vấn khẩn cấp. Sau vài phút trở lại Trang kể tiếp, mỗi tháng Trung tâm Danuri tiếp nhận khoảng 2.000 cuộc điện thoại từ các cô dâu nước ngoài, trong đó các cô dâu Việt gọi nhiều nhất, khoảng 600 cuộc. Những cuộc điện thoại hay tư vấn online của Trung tâm Danuri ở địa chỉ: www.liveinkorea.kr không giới hạn ở lĩnh vực nào và mức độ khó dễ của vụ việc, nhưng nhiều nhất vẫn là những câu hỏi về sự thích nghi với cuộc sống sinh hoạt ở Hàn Quốc. Đa số cô dâu Việt Nam mới lấy chồng sang đây không biết tiếng nên gọi điện đến trung tâm bất cứ lúc nào và hỏi bất cứ chuyện gì. Từ việc nhờ tìm lớp học tiếng Hàn ở đâu, giao dịch với nhân viên ngân hàng thế nào, thanh toán hóa đơn điện thoại ra sao, đi khám bệnh phải nói những gì với bác sĩ… các cô đều gọi đến trung tâm nhờ tư vấn và thông dịch. “Nhiều cô dâu khi có thai không biết cách chăm sóc, hoặc chăm con, thậm chí nhiều cô có chuyện hờn dỗi vợ chồng… cũng gọi điện đến trung tâm để nhờ trợ giúp”, Trang cho biết thêm.

Theo chị Yu Nam-Jin, với 10 thứ tiếng khác nhau như tiếng Việt, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… đường dây nóng của Trung tâm Danuri hoạt động liên tục từ 9 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày. “Riêng tiếng Việt có tới 3 nhân viên tư vấn và thông dịch - nhiều nhất trong 10 thứ tiếng vì số lượng cuộc gọi đến từ các cô dâu Việt nhiều nhất. Vào những ngày nghỉ, nếu các cô dâu gọi đến, tổng đài của trung tâm sẽ tự động nối máy sang Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp phụ nữ di trú 15771366. Trong trường hợp các cô dâu bị bạo hành, chúng tôi cũng nối máy trực tiếp đến số điện thoại 15771366 để hỗ trợ một cách tối đa cho các cô dâu” - chị Yu Nam-Jin cho biết.

Bạn đồng hành của cô dâu Việt

Cùng vào làm việc tại Trung tâm Danuri ngay từ khi mới thành lập, Dương Thùy Dung, quê ở Cần Thơ vẫn không quên thời gian đầu mới lấy chồng sang Hàn Quốc (năm 2006). Dung kể: “Khi mới lấy chồng sang đây em đã nhận được sự giúp đỡ của các chị đi trước. Em tự nhủ rằng mình phải học thật giỏi tiếng Hàn để sau này có thể giúp được các chị em còn nhiều bỡ ngỡ như mình. Nếu ngày trước ở Hàn Quốc có các trung tâm như Danuri, chắc chắn chúng em đỡ vất vả hơn. Đó cũng là lý do em muốn làm việc tại trung tâm”.

Sau nhiều năm làm tư vấn, thông dịch cho các cô dâu Việt Nam, một trong những kỷ niệm mà Dung đến giờ vẫn nhớ như in là việc thông dịch cho một trường hợp cô dâu Việt sinh ba. Vừa không biết tiếng, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên từ khi mang thai, trung tâm đã phải hỗ trợ rất nhiều. Không chỉ là người bạn đồng hành, thông dịch trong suốt thời gian mang thai đến bệnh viện khám, nói chuyện với gia đình nhà chồng, Thùy Dung cũng như các nhân viên của Trung tâm Danuri còn đóng vai trò cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí để cô dâu Việt sinh ba này có tiền chi trả viện phí...

Rời Trung tâm Danuri chúng tôi đến một địa chỉ khác cũng khá quen thuộc với nhiều cô dâu Việt ở Seoul. Kể từ khi thành lập năm 2010, đến nay Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa Mapo (tầng 3, đường 19, phường Yang hwa, quận Hapjung, Seoul) đã trở thành điểm đến của nhiều cô dâu “ngoại”, trong đó có cô dâu Việt ở xứ Hàn. Nguyễn Đào Tiên, thông dịch viên tiếng Việt duy nhất tại trung tâm cho biết, trước kia tại Hàn Quốc chỉ có các trung tâm dạy tiếng Hàn cho người xuất khẩu lao động. Vì vậy, Trung tâm Mapo thành lập với mục tiêu không chỉ dạy ngôn ngữ, thông dịch, tư vấn về văn hóa, hôn nhân gia đình cho cô dâu các nước, trong đó có cả cô dâu Việt Nam mà còn dạy tiếng Hàn cho con của các cô dâu. “Vì là gia đình bố Hàn, mẹ Việt nên đôi khi các cháu phát âm tiếng Hàn chưa được chuẩn, trung tâm tổ chức các lớp tiếng Hàn dành riêng cho các cháu. Tất cả các lớp học này đều miễn phí” - Tiên nói.

Danuri hay Mapo chỉ là hai trong tổng số hơn 270 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa được thành lập trên khắp đất nước Hàn Quốc hiện nay. Riêng tại thủ đô Seoul có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tương tự như vậy. Xác định Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đa văn hóa nên từ nhiều năm nay Chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở hầu khắp các quận, huyện trên cả nước. Do vậy, các cô dâu “ngoại” kết hôn với đàn ông Hàn Quốc ở bất cứ quận, huyện nào đều có thể theo học các lớp ngôn ngữ và văn hóa Hàn ngay trên chính địa bàn đó.

Lời khuyên cho các cô dâu

Sau hai năm miệt mài học tiếng, giờ đây Nguyễn Thị Trang không chỉ có việc làm ổn định mà còn có thể tự tin hòa nhập vào cuộc sống nhà chồng cũng như văn hóa sở tại. Trang cảm thấy hạnh phúc vì được chồng, gia đình nhà chồng thương yêu và ủng hộ trong công việc. Vậy em có lời khuyên nào cho những cô dâu Việt mới lấy chồng sang đây? - tôi hỏi. Trang trầm giọng một lúc rồi nói nhiều chị em gọi điện đến trung tâm nhờ thuyết phục nhà chồng cho đi làm ngay, nhưng Trang phải tư vấn cho họ. “Mọi người mới sang đây đều khó khăn, nhưng nếu giỏi tiếng Hàn thì cơ hội kiếm việc sẽ nhiều hơn. Cuộc sống gia đình của mình hạnh phúc cũng là cách để báo hiếu cha mẹ. Khi nào có điều kiện kinh tế, các chị gửi về Việt Nam giúp bố mẹ sau cũng chưa muộn. Em đã thuyết phục như vậy và các bạn đã nghe” - Trang tâm sự.

Bà Kil Ki Seun, Giám đốc Trung tâm Mapo cho biết, một trong những mục đích quan trọng của các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa là muốn giúp các cô dâu sống hạnh phúc hơn với gia đình nhà chồng. “Với hai nền văn hóa khác nhau, bản thân mỗi vùng miền ở Hàn Quốc cũng có những văn hóa, cách sinh hoạt, ăn uống khác nhau nên các cô dâu mới lấy chồng sang đây gặp bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi. Để có được hạnh phúc, điều quan trọng là các cô dâu phải biết cảm thông, chia sẻ với chồng cũng như nhà chồng và ngược lại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng cô dâu Việt ở xứ Hàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.