Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng

Võ Lâm| 17/12/2015 06:35

(HNM) - Ngày 16-12, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức tổng kết 20 năm hoạt động của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 100-QĐ/TƯ ngày 3-6-1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII).

Cùng dự có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong. Mặc dù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhưng các TTBDCT trên địa bàn thành phố đã từng bước trưởng thành, đóng góp không nhỏ cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thành phố.

Hà Nội hiện có 30 TTBDCT. Sau 20 năm hoạt động, công tác bồi dưỡng, đào tạo tại các TTBDCT đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Khắc phục khó khăn từ những ngày đầu thành lập, đến nay, hầu hết các trung tâm đã có cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Đội ngũ cán bộ, giảng viên từ chủ yếu là kiêm nhiệm, còn hạn chế về chuyên môn, đến nay đã không ngừng trưởng thành, đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Quy mô hoạt động của các trung tâm được mở rộng cả về loại hình và tính chất bồi dưỡng, đào tạo. Sau 20 năm, khối lượng bồi dưỡng, đào tạo tổng bình quân tăng gần 5 lần so với năm đầu thành lập. Các TT BDCT thuộc Đảng bộ thành phố đã mở khoảng 20.000 lớp bồi dưỡng, đào tạo với sự tham gia của 5.000.000 lượt học viên.

Với những đóng góp thiết thực trong 20 năm qua, 53 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng các TTBDCT và công tác giáo dục lý luận chính trị thành phố đã được tặng Bằng khen, Giấy khen của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Mặc dù có bước trưởng thành đáng kể, nhưng các TTBDCT đang gặp những khó khăn, vướng mắc, cần tháo gỡ. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tại một số trung tâm, khuôn viên hẹp, phòng học thiếu, có trung tâm chưa có phòng học riêng, công trình phụ trợ bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, vẫn còn trung tâm chưa có trụ sở độc lập. Cụ thể, trong số 30 TTBDCT của thành phố, hiện mới có 17 đơn vị bảo đảm về diện tích theo tiêu chuẩn dự kiến của Trung ương; 13 đơn vị chưa có cơ sở riêng, phải dùng chung hoặc đi thuê nơi giảng dạy. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, ngoài khó khăn về biên chế, các TTBDCT còn thiếu đội ngũ giảng viên chuyên trách, thậm chí có trung tâm chỉ có cán bộ quản lý và hành chính, không có cán bộ chuyên môn. Còn theo Giám đốc TTBDCT huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Phấn, quy định hiện hành mức thù lao lên lớp thấp nên gặp khó khăn trong việc mời giảng viên, báo cáo viên. Đặc biệt, đến nay không riêng gì Hà Nội, trên cả nước vẫn chưa có mô hình chuẩn về TTBDCT cấp huyện để làm căn cứ đầu tư xây dựng.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu về cơ chế chính sách, giải pháp khắc phục khó khăn bất cập trong hoạt động của các TTBDCT, nhất là về chương trình đào tạo, cơ chế tài chính thu hút giảng viên giỏi. Các quận, huyện, thị ủy quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các TTBDCT, tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ, giảng viên để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ban Tổ chức Thành ủy khẩn trương bố trí cho giám đốc các TTBDCT cấp huyện học lý luận chính trị cao cấp năm 2016 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò, vị trí của các TTBDCT, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo các TTBDCT phải chủ động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiếp tục triển khai thực hiện các quyết định của Trung ương về cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn, đào tạo cán bộ theo quy hoạch… Đồng chí yêu cầu các TTBDCT không chỉ trang bị, bồi đắp kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ... mà còn tiếp tục chú trọng công tác giáo dục bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo cần gắn với tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm bồi đắp đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; góp phần phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ngăn ngừa lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", "nói không đi đôi với làm".

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

"Quy mô hoạt động của một TTBDCT cấp huyện ở Hà Nội tương đương với quy mô TT BDCT của một số tỉnh và hoạt động hiệu quả. So với những tiêu chí chung, các TTBDCT của Hà Nội luôn đạt nhiều tiêu chí nhất là về quy mô giảng dạy và học tập, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên… Tôi đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội đối với hoạt động của các TTBDCT nói riêng và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở nói chung".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.